Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân Chủ, nhóm đối lập ở Miến Điện nói rằng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon sẽ đến Miến Điện vào tháng 12 để thảo luận về các vấn đề chính trị của nước này. Thông Tín Viên Ron Corben ở Bangkok cho biết nhóm đối lập đã nhận được tin này trong lúc tiếp xúc với đặc sứ của Liên Hiệp Quốc đang công tác ở Miến Điện trong 5 ngày.
Tin tức về chuyến đi được dự tính của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc được đưa ra trong buổi họp hôm thứ Tư giữa một số người trong ban lãnh đạo Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân Chủ và đặc sứ Liên Hiệp Quốc ông Ibrahim Gambari.
Người phát ngôn của liên minh, ông Nyan Win, nói rằng chuyến đi của ông Ban Ki-moon sẽ diễn ra vào tháng 12.
Đặc sứ Gambari nói rằng ông Ban Ki-moon đến Miến Điện vào tuần lễ cuối cùng của tháng 12 năm nay, và chuyến đi sẽ chỉ tập trung vào vấn đề chính trị.
Ông Gambari đang đi thăm chính thức Miến Điện 5 ngày, trong khuôn khổ của các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm mở ra con đường đối thoại chính trị giữa chính quyền quân sự và phe đối lập, để xúc tiến cải cách chính trị.
Ông Ban đã đến Miến Điện hồi tháng 5, vài tuần lễ sau khi Miến Điện có trận bão lốc Nargis. Chuyến đi đó nằm trong khuôn khổ của các nỗ lực quốc tế giúp xúc tiến công tác cứu trợ và phục hồi, sau khi thiên tai đã cướp đi số sinh mạng có thể lên đến 130,000 người. Nhưng chuyến đi phần lớn cũng để dọn đường cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về tình hình chính trị của Miến Điện.
Bà Debbie Stothardt, Người phát ngôn của một tổ chức bênh vực nhân quyền có tên là Alternative ASEAN Network on Burma, nói rằng mặc dù các cuộc thảo luận được xem là tích cực, chính phủ quân sự nên cùng lúc có những bước thực sự để cải cách chính trị.
Bà Stothardt nói: “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chế độ quân sự phải ngồi yên một chỗ để chờ cho đến tháng 12. Họ cần phải chứng tỏ họ sẵn sàng tham gia cải cách và làm cho cuộc đối thoại với ông Ban trở thành một cuộc đối thoại có ý nghĩa. Thí dụ họ có thể thả tất cả tù chính trị ngay bây giờ và ngưng các cuộc tấn công vũ trang ở miền Đông.”
Trước khi gặp ban lãnh đạo của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân Chủ, đặc sứ Gambari đã gặp Ngoại Trưởng Miến Điện Nyan Win, các nhà ngoại giao nước ngoài, và đại diện của hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế.
Chính phủ quân sự đã lên nắm quyền từ năm 1962. Họ vẫn làm ngơ trước những lời kêu gọi của quốc tế muốn họ cải cách chính trị và thả tù chính trị. Tháng 9 năm ngoái, chính quyền này đã đàn áp các cuộc biểu tình trên đường phố do các nhà sư dẫn đầu để kêu gọi cải cách.
Hồi tháng 5, chính phủ quân nhân quyết định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý trên cả nước về bản hiến pháp mới, dựa trên bản lộ đồ do chính họ đặt ra, bất kể đất nước lúc bấy giờ phải lo đối phó với hậu quả của trận bão lốc Nargis.
Theo chương trình, Đặc sứ Gambari phải gặp lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi vào thứ Tư. Nhưng lực lượng an ninh đã bố trí dày đặc xung quanh nhà khách ở Rangoon; người ta không thấy bà xuất hiện và các quan chức Miến Điện cũng không nói rõ lý do tại sao bà không có mặt.
Bà Aung San Suu Kyi vẫn còn trong chế độ bị giam cầm, và trong 19 năm qua, bà hầu như đã bị giam lỏng tại nhà suốt 13 năm. Mới đây chính phủ quân nhân đã kéo dài thêm lệnh quản thúc bà.