Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi quốc tế đóng góp gần 60 triệu đôla để cứu trợ khẩn cấp trong 6 tháng sắp tới cho hàng vạn người bị ảnh hưởng do cuộc chiến tranh tại Gruzia gây ra. Các tổ chức cứu trợ nói rằng vấn đề lớn nhất của họ bây giờ là làm thế nào tiếp cận các người cần được giúp đỡ. Thông Tín Viên Lisa Schlein ở trụ sở Liên Hiệp Quốc Geneve có bài tường trình.
2 nước Nga và Gruzia báo cáo có gần 160,000 người phải dời cư kể từ khi chiến tranh nổ ra tại khu vực Nam Ossetia của Gruzia cách nay 13 hôm.
Liên Hiệp Quốc nói rằng số người này đang trong tình trạng tuyệt vọng. Họ mất hết nhà cửa và cần một nơi tạm trú. Họ cần có lương thực, nước uống, được chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt trong các điều kiện vệ sinh, và họ cũng cần được bảo vệ.
Các tổ chức nhân đạo đã đem hết khả năng ra để đáp ứng các nhu cầu đó. Nhưng họ nói rằng sự đáp ứng đó vẫn chưa đầy đủ vì sự giới hạn trong việc tiếp cận với các nạn nhân của cuộc chiến.
2 tổ chức nhân đạo có tên tuổi, là hội Chữ Thập Đỏ và Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, đang có mặt trong vùng để cố gắng hối thúc Gruzia và Nga đồng ý cho phép nhân viên của họ được đi lại an toàn và không bị ngăn cản. Họ đặc biệt kêu gọi người Nga hãy để cho các nhân viên của các tổ chức nhân đạo được vào khu vực Nam Ossetia, nơi mà người ta tin có khoảng 30,000 người dời cư.
Chủ Tịch hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế ông Jakob Kellenberger, đang sắp sửa kết thúc chuyến đi 3 ngày đến thăm Gruzia và liên bang Nga. Người phát ngôn của hội này, bà Anna Nelson, cho biết ông Kellenberger đã gặp Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov vào sáng hôm thứ Ba.
Bà Nelson nói: “ Ông Kellenberger đã có một buổi họp hữu ích với Ngoại Trưởng Lavrov. Nhà chức trách Nga nói họ tin là sự có mặt của hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế tại Nam Ossetia sẽ hữu dụng, và họ sẽ chuyển ý này đến Nhà chức trách Nam Ossetia. Hội Chữ Thập Đỏ đã sẵn sàng đến Nam Ossetia để đánh giá các nhu cầu nhân đạo tại đó, ngay sau khi thảo luận xong các chi tiết với chính quyền Nam Ossetia. Trước đây, Nam Ossetia đã mời hội Chữ Thập Đỏ đến đó. Chúng tôi hy vọng có thể đến Nam Ossetia trong thời gian sớm nhất.”
Bà Nelson nói rằng đại diện của hội Chữ Thập Đỏ đã có mặt với tư cách quan sát viên tại buổi trao đổi tù binh sáng hôm thứ Ba. Gruzia đã trao cho Nga 5 tù binh để đổi lấy 20 hoặc 21 tù binh Gruzia.
Trong khi đó, ông Antonio Guterres, Cao Ủy Trưởng Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu chuyến đi 4 ngày đến Gruzia và Nga. Một Người phát ngôn của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, là ông Andrej Mahecic, nói ông Guterres sẽ nhấn mạnh với các quan chức cao cấp 2 nước Nga và Gruzia rằng điều quan trọng là phải để nhân viên cứu trợ được tự do lui tới để giúp đỡ các nạn nhân.
Ông Guterres nhận định rằng tình hình tại hiện trường vẫn còn nhiều chuyện bất trắc, khó dự báo trước. Ông cho biết là hôm chủ nhật, một đoàn xe gồm người của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và Chương trình Thực phẩm Thế giới đã xoay xở để vào đến thị trấn Gori của Gruzia.
Ông Mahecic nói: “Đây là lần đầu tiên từ khi chiến tranh nổ ra vào ngày 8 tháng 8, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc được vào thị trấn GORI. Tuy nhiên, trước đó trong ngày, phái bộ an ninh của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc không vào được Gori, mặc dù cũng sử dụng cùng lộ trình đó. Nhân viên của chúng tôi khi vào được Gori vào chiều ngày thứ 7 báo cáo rằng thị trấn đó dường như hoàn toàn vắng vẻ. Sự thiệt hại về nhà cửa dường như không nghiêm trọng. Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy đã có nhiều vụ hôi của xảy ra tại các cửa hàng và các khu chung cư.”
Người phát ngôn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc còn nói rằng Cao ủy cần 16 triệu đôla trong 6 tháng tới để thực hiện các chương trình bảo vệ, tìm chỗ tạm trú, và giúp đỡ các người mới phải dời cư vì các cuộc giao tranh trong vùng Caucase. Lời yêu cầu đó đã được ghi trong văn bản kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp mà Liên Hiệp Quốc vừa công bố.