Mục thể thao hôm nay điểm lại một
vài cột mốc vừa được lập ra tại Thế vận hội lần thứ 29 đang diễn ra tại
Bắc Kinh, và đã đi được hơn nửa đường, cùng với những tin tức đáng chú
ý liên quan đến các vận động viên Việt Nam hoặc gốc Việt tại Olympic.
Chiếc
huy chương vàng mà Michael Phelps cùng với đồng đội giành được ở nội
dung 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức nam đã đưa siêu sao người Mỹ này lên
một kỷ lục Olympic mới, có thể được gọi là kỷ lục của mọi kỷ lục. Đó là
kỷ lục 8 huy chương vàng tại một kỳ Thế vận hội, phá kỷ lục 7 huy
chương vàng mà người đồng hương Mark Spitz của Phelps đã lập được và
năm 1972 tại Olympic Munich.
Không những thế, đây còn là chiếc
huy chương vàng thứ 14 trong sự nghiệp Olympic của Michael Phelps, vượt
xa thành tích của các vận động viên vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic
hiện đại, trong đó có Mark Spitz với 9 huy chương vàng Olympic tổng
cộng.
Michael Phelps phát biểu sau khi đạt được thành tích kỷ
lục này rằng anh thường đặt ra rất nhiều mục tiêu và cũng đã đạt được
nhiều mục tiêu, tuy nhiên thành tích vừa qua là mục tiêu lớn nhất trong
sự nghiệp mà anh đạt được. Phelps nói tiếp rằng nỗ lực của anh để đi
đến mục tiêu này là một niềm vui trong 4 năm qua, và tuần qua thật là
tuyệt vời.
Trong 8 huy chương vàng mà Michael Phelps giành được
ở tất mọi nội dung mà anh tranh tài tại Bắc Kinh, có 3 nội dung đồng
đội mà anh nói là những kỷ niệm đáng nhớ nhất tại Olympic Bắc Kinh.
Michael
Phelps nói rằng dịp tập luyện và thi đấu chung với các đồng đội, và
được có mặt trong đoàn thể thao Mỹ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối
với anh tại Olympic Bắc Kinh.
Một
ngôi sao khác trong đội tuyển bơi lội của Mỹ, mặc dù không giành được
huy chương vàng nhưng đã để lại một gương sáng thể thao đó là Dara
Torres – nữ vận động viên 41 tuổi đoạt được 3 huy chương bạc Olympic
tại Thế vận hội Bắc Kinh này.
Torres đã về nhì trong cuộc thi 50 mét tự do, chỉ thua Britta Steffen của Đức trong 'đường tơ kẻ tóc'.
Sau
khi chạm đích kém người về nhất 1% của một giây, Dara Torres đã nói đùa
rằng phải chi mà tối hôm trước cô đừng dũa bớt móng tay. Tuy nhiên
Torres nói rằng đó là thành tích tốt nhất mà cô lập được ở nội dung 50
mét tự do, và cô hài lòng với chiếc huy chương bạc.
Chưa đầy một
giờ sau khi đoạt được huy chương bạc 50 mét tự do, Dara Torres lại xuất
hiện ở đường đua với các đồng đội để tranh chung kết nội dung 4x100 mét
hỗn hợp tiếp sức. Chính Torres đã góp công rất lớn ở chặng 100 mét tự
do cuối cùng để đưa đội Mỹ lên bục nhận huy chương bạc, đứng sau đội
Australia.
Dara Torres bày tỏ hy vọng rằng những thành tích mà
cô đạt được tại Olympic thứ năm trong sự nghiệp của cô sẽ có tác dụng
động viên nhiều người cùng lứa tuổi với cô.
Torres nói rằng cô
sẽ rất phấn khởi nếu như những gì cô đã làm tại Olympic Bắc Kinh động
viên được những ai ở tuổi trung niên như cô mà lo rằng tuổi tác sẽ hạn
chế nhiều hoạt động, hoặc nhiều bậc cha mẹ không cân đối được thời gian
cho con cái và những mục tiêu quan trọng khác trong cuộc sống.
Dara
Torres đã giải nghệ sau Olympic Sydney 2000. Năm 2006 cô có cháu gái
đầu lòng. Nhưng sau đó cô đã trở lại bể bơi tập luyện để mang về cho Mỹ
3 chiếc chương bạc tại Olympic Bắc Kinh này.
Sáng
chủ nhật vừa qua, hơn 90,000 khán giả trên sân vận động quốc gia Tổ
Chim cùng với khán giả truyền hình trên khắp thế giới đã chứng kiến
cuộc đăng quang 'người chạy nhanh nhất hành tinh' của Usain Bolt. Vận
động viên Jamaica này hình như không cần chạy hết mình mà vẫn giật được
huy chương vàng đồng thời lập ra một kỷ lục thế giới mới cho nội dung
100 mét nước rút nam.
Vượt lên dẫn đầu khá dễ dàng sau 50 mét
đầu, Usain Bolt thay vì tiếp tục gắng sức chạy vể đích, anh liếc nhìn
xung quanh thấy không còn ai theo kịp, và anh đã dùng tay đấm lên ngực
cùng với các động tác mừng chiến thắng khác trước khi anh chạm đích.
Vậy mà anh vẫn lập được kỷ lục thế giới mới là 9 giây 69%, nhanh hơn kỷ
lục trước đó cũng do chính anh lập được tại New York 3% của một giây.
Những
người chứng kiến cách thi đấu của Bolt có cảm tưởng rằng vận động viên
21 tuổi này đáng lẽ đã về đích còn nhanh hơn như vậy, hoặc sẽ dễ dàng
lập thêm kỷ lục thế giới mới ở nội dung nước rút 100 mét, nếu anh vẫn
giữ phong độ thi đấu như vậy.
Usain Bolt nói rằng anh không quan
tâm đến kỷ lục thế giới, và thậm chí không nhận ra là anh đã phá kỷ lục
thế giới, mà mục tiêu của anh đến Bắc Kinh là để đoạt danh hiệu vô địch
Olympic. Bolt nói tiếp rằng anh hãnh diện khi giành được chiếc huy
chương vàng Olympic đầu tiên ở nội dung 100 mét nước rút về cho đất
nước Jamaica.
Liên
quan đến các vận động viên Việt Nam hoặc có gốc Việt Nam tại Olympic
Bắc Kinh, giới hâm mộ hôm thứ bảy vừa qua đã có dịp chúc mừng chiến
thắng của vận động viên vật tự do Carol Huỳnh đại diện cho Canada.
Chiếc
huy chương vàng môn vật tự do, hạng cân 48 kilôgram, mà Carol Huỳnh
giành được bằng chiến thắng 2-0 trước đương kim vô địch thế giới Icho
Chiharu của Nhật Bản đã giúp chấm dứt cơn khát huy chương của Canada
tại Bắc Kinh 2008.
Carol Huỳnh kể lại rằng trong niềm vui và sự
hãnh diện khi bước lên bục nhận huy chương, cô đã 'vẫy chào thân nhân,
bạn bè, đồng đội, huấn luyện viên và bất cứ lá cờ Canada nào mà cô nhìn
thấy'. Huỳnh tâm sự rằng cô 'hãnh diện là công dân Canada, và hãnh diện
với chặng đường dài đã đưa cô đến thành công này'.
Carol Huỳnh
sinh ra và lớn lên tại Canada, nhưng chặng đường dài mà Huỳnh nói đến
bắt đầu từ khi cha mẹ của cô là những thuyền nhân đã rời Việt Nam bằng
đường biển để đi đến các nước tự do xin tị nạn vào cuối thập kỷ 1970.
Cha của Carol Huỳnh, một người Việt gốc Hoa, và mẹ là người Việt sau đó
được một họ đạo ở British Colombia, Canada bảo lãnh cho định cư tại thị
trấn Hazelton.
Carol Huỳnh kể lại rằng cha mẹ của cô đã rất
gian nan, cực khổ trong những năm tháng đầu để mưu sinh tại miền đất
mới, và tất cả những điều đó là một tấm gương phấn đấu để cô noi theo.
Liên
quan đến đoàn thể thao Việt Nam, tuần qua vận động viên thể dục dụng cụ
Đỗ Thị Ngân Thương của Việt Nam đã bị buộc phải rời Olympic Bắc Kinh vì
sử dụng doping. Kết quả xét nghiệm của vận động viên này cho phản ứng
dương tính với chất diuretic furosemide, một loại chất kích thích bị
cấm. Sau đợt thi vòng loại Đỗ Thị Ngân Thương xếp thứ 59 trong tổng số
vận động viên dự tranh môn thể dục dụng cụ toàn năng cá nhân nữ.