Hơn 3 tháng trước, Miến Điện đã bị bão Nargis tàn phá dữ dội, với hơn 144,000 người thiệt mạng hoặc mất tích và hàng triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Trong nhiều tuần lễ sau thiên tai kinh hoàng này, chính quyền quân nhân Miến Điện đã bị chỉ trích kịch liệt vì tìm cách ngăn chận những nỗ lực cứu hộ và cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Một số người cũng mong rằng hậu quả của bão Nargis sẽ làm suy yếu và đưa tới chỗ sụp đổ của tập đoàn tướng lãnh. Tuy nhiên, một số các nhà phân tích và nhiều người Miến Điện giờ đây nói rằng thiên tài này có lẽ đã giúp cho quân đội Miến Điện trở nên mạnh hơn trước. Mời quí thính giả theo dõi Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu của Ðài VOA sau đây, dựa theo tường thuật do thông tín viên Heda Bayron gởi về từ vùng châu thổ sông Irrawaddy.
Hơn 3 tháng đã trôi qua kể từ khi vùng châu thổ sông Irrawaddy của Miến Điện bị bão Nargis tàn phá, nhưng theo lời người đứng đầu Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên hiệp quốc ở Miến Điện, tình hình ở đây vẫn vô cùng bi đát. Bà Chris Kaye cho biết đại đa số người dân trong vùng này vẫn không có đủ lương thực. Một bản phúc trình mới đây của Ủy Ban Hỗn Hợp Thẩm Định Tình Hình Sau Bão, bao gồm Liên hiệp quốc, Asean và Miến Điện, cho biết rằng khoảng 924,000 người cần trợ giúp thực phẩm cho tới vụ mùa vào tháng 11, trong lúc có khoảng 300,000 người cần được cứu trợ cho tới tháng tư sang năm.
Trong chuyến viếng thăm mới đây tới một ngôi làng ở Miến Điện, thông tín viên đài VOA đã được viên thôn trưởng cho biết như sau: "Vào lúc này, các nông dân và những người làm công không ai có việc gì để làm. Họ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải dựa vào số lúa gạo và rau đậu bố thí để có cái mà ăn qua ngày."
Viên thôn trưởng nói thêm rằng dân làng không có được sự giúp đỡ nào của chính phủ: "Chúng tôi không hề nhận được bất cứ thứ gì từ chính phủ. Họ nói là họ sẽ tiếp tế cho chúng tôi trong nay mai. Chúng tôi chỉ nhận được những khoản quyên góp từ các nhà sư ở Mandalay."
Trong khi đó, nhiều người ở Rangoon muốn giúp đỡ cho đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn và họ đã tích cực đóng góp cho những hoạt động cứu trợ của các tu viện Phật giáo. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng gặp phải sự sách nhiễu của chính quyền quân nhân.
Một người tài xế taxi ở Rangoon đã tình nguyện chuyên chở phẩm vật cứu trợ và cho biết như sau: "Giờ đây, những người tình nguyện bị gặp khó khăn trong việc giúp đỡ nạn nhân bão lụt. Đôi khi việc này bị chính phủ cấm đoán. Đôi khi họ kiểm tra những người tình nguyện - kiểm tra lý lịch của họ. Nếu họ là người của một đảng nào đó thì họ sẽ bị chính quyền bắt giam."
Một số nhân vật nổi tiếng ở Miến Điện, như các văn nghệ sĩ, đã bị chính quyền câu lưu vì tham gia các hoạt động cứu trợ bão lụt. Khi đề cập tới tình trạng đàn áp này, giáo sư Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn ở Thái lan giải thích như sau.
GS Thitinan nói: "Sự đàn áp ở đây bén rễ rất sâu và được tổ chức rất tinh vi. Và bởi vì không có một xã hội dân sự, không có một định chế khác để cạnh tranh, để kiềm chế những hành vi độc tài, độc đoán, cho nên dân chúng không có nhiều sự chọn lựa."
Trên đường phố Rangoon, các đĩa CD ghi lại hình ảnh của sự tàn phá khủng khiếp của bão Nargis đang được mang ra bán lén lút, những hình ảnh mà chính quyền không muốn người dân trông thấy vì e rằng sẽ có thêm một làn sóng bất bình nổi lên. Tuy nhiên, một số các nhà quan sát cho rằng điều đó sẽ không xảy ra.
Về việc này, giáo sư Thitinan cho biết: "Trước đây, nhiều người hy vọng, mơ ước, và đồn đãi về một cuộc nổi dậy bao gồm nhiều thành phần dân chúng. Họ nói rằng bão Nargis có thể là phần mở màn cho việc kết liễu chính quyền quân nhân. Những tôi nghĩ rằng điều tương phản đang diễn ra. Nó giúp cho quân đội bám rễ sâu hơn nữa. Nó làm cho người dân trở nên thứ yếu hơn nữa và phải tuân theo những ý muốn của chính phủ."
Chỉ vài ngày sau khi cơn bão xảy ra, giới hữu trách Miến Điện đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới. Các nhân vật hoạt động cho nhân quyền nói rằng cuộc đầu phiếu đó chỉ là một sự giàn dựng. Còn tập đoàn tướng lãnh cầm quyền thì nói rằng cử tri đã chấp nhận bản hiến pháp với đa số áp đảo.
Ngày nay, chính quyền quân nhân không gặp phải sự chống đối nào đáng kể trên bề mặt. Các vị tu sĩ Phật giáo lãnh đạo cuộc nổi dậy được gọi là 'cuộc cách mạng tăng bào' hồi tháng 9 năm ngoái hoặc đã bị bắt hoặc phải trốn tránh. Hầu hết các nhà sư đã quay về với cuộc sống thầm lặng ở tu viện. Nhiều người trong số này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt.
Giáo sư Thitinan của Đại học Chulalongkorn nhận xét: "Tôi nghĩ rằng ưu tiên của họ đã xoay qua một việc khác. Họ muốn ra sức cứu sống mạng người hơn là lật đổ một chính phủ hay tổ chức một cuộc biểu tình để bày tỏ sự bất mãn đối với chính quyền."
Trong lúc tập đoàn quân nhân dường như không phải lo ngại về sự bất bình của dân chúng trong nước, các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy cho công cuộc dân chủ hóa Miến Điện đã tiếp diễn hôm thứ 5 vừa qua, với cuộc gặp gỡ tại Bangkok giữa Tổng thống Mỹ và các nhân vật tranh đấu người Miến Điện. Phát biểu trong bữa tiệc trưa với 8 nhà dân chủ và 1 nhà báo Miến Điện tại tư thất của Đại sứ Mỹ ở Thái lan, Tổng thống Bush nói rằng ông sẽ tìm cách thuyết phục Trung Quốc giúp đỡ để giải quyết vấn đề Miến Điện.
Tổng thống Bush nói: "Chúng tôi còn có rất nhiều việc cần phải làm để thuyết phục những người khác, đặc biệt là Trung quốc, để họ tin rằng hiện trạng Miến Điện là không thể chấp nhận được, hay để họ nhận thức rằng tình hình Miến Điện có thể được cải thiện. Trung quốc là một nước quan trọng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, là một cường quốc thế giới và là một nước láng giềng của Miến Điện. Tôi hy vọng là nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp của tôi với giới lãnh đạo Trung quốc, tôi có thể thuyết phục họ là tương lai Miến Điện cần có sự tham gia của xã hội dân sự. Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để thuyết phục là nói tới thái độ lạc hậu của chính quyền Miến Điện trong việc ứng phó với thiên tai."