Cộng đồng quốc tế và vụ khủng hoảng nhân đạo ở Miến Ðiện

Hồi tháng Năm, cơn bão lốc Nargis đã tàn phá Miến Điện. Trận bão này cũng làm bộc lộ sự yếu kém của cộng đồng thế giới trong việc giao tiếp với quốc gia Đông Nam Á này. Trong nhiều tuần lễ, chính quyền quân nhân Miến điện đã ngăn cản những nỗ lực để cứu giúp hơn hai triệu người sống sót qua trận bão. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết về thách thức mà cộng đồng quốc tế phải khắc phục trong cuộc khủng hoảng nhân đạo này, dựa theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Heda Bayron gởi về từ vùng đồng bằng sông Irrawaddy.

Sự thiệt hại do cơn bão lốc Nargis đã mau chóng hiện rõ. Khoảng 140,000 người đã thiệt mạng hoặc bị mất tích. Hàng trăm ngàn người bị mất nhà cửa. Và hàng vạn căn nhà, trường học, cơ sở thương mại, và ruộng vườn đã bị tàn phá. Nhưng sự thách đố lớn lao nhất trong việc giúp đỡ những người sống sót không phải là vấn đề lụt lội hay vấn đề của những người lánh nạn. Thách đố đó phát xuất từ chính quyền do quân nhân lãnh đạo. Trong nhiều tuần lễ, họ đã từ chối hầu hết sự giúp đỡ quốc tế.

Từ chối viện trợ

Hàng không mẫu hạm Essex của Hoa Kỳ, có chở theo máy bay trực thăng và nhiều tấn nước sạch cùng với các loại thực phẩm, đã bỏ neo ngoài khơi Miến Điện chờ đợi hơn ba tuần lễ. Chờ đợi để được chấp thuận chở hàng cứu trợ vào đất liền trong vùng đồng bằng sông Irrawaddy. Nhưng sự chấp thuận đã không hề tới.

Phát ngôn viên Paul Risley của Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới cho biết cảm tưởng như sau về việc này.

Ông Risley nói: "Thật là một điều bất hạnh vì những máy bay trực thăng này có khả năng chuyên chở một số lớn phẩm vật cứu trợ tới những khu vực trong vùng đồng bằng.”

Chính quyền Miến Điện cũng không màng cứu xét những đơn xin chiếu khán nhập cảnh của các nhân viên của Liên hiệp Quốc và các tổ chức từ thiện khác.

Liên hiệp Quốc và Hiệp hội Các Quốc Gia Động Nam Á đã phải gây áp lực để Miến Điện cho phép nhân viên cứu trợ ngoại quốc được vào nước họ. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu các vấn đề An Ninh và Quốc Tế của đại học Chulalongkorn ở Thái lan nhận xét như sau.

Giáo sư Pongsudhirak nói: "Liên Hiệp Quốc có ảnh hưởng rất giới hạn. Không phải là họ không cố gắng. Họ có nhiều nỗ lực. Họ cố gắng rất nhiều. Nhưng kết quả lại rất giới hạn."

Hai tháng sau khi bão tàn phá, dân chúng trong châu thổ sông Irrawaddy bị tàn phá nặng nề nhất vẫn phải rủ nhau đứng chờ ở ven đường để được cứu trợ. Họ đã cất giữ những phẩm vật ít ỏi mà họ nhận được. Họ biết sẽ phải mất nhiều tháng để có lại được những mùa màng đã mất và có được nguồn thu nhập.

Mặc dù có nhiều bằng chứng trái ngược, các tướng lãnh Miến Điện nói rằng nhu cầu cứu trợ giờ đây đã không còn nữa.

Kêu gọi gây sức ép

Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc mới đây, ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã ca tụng nước này về việc mau chóng kêu gọi sự giúp đỡ để đối phó với trận động đất hồi tháng Năm. Bà Rice nói rằng phải tìm ra một phương cách để tiếp cận Miến Ðiện.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có thể mang lại phương cách đó. Cả Bắc kinh lẫn New Dehli đều có liên hệ mật thiết về ngoại giao và thương mại với chính quyền Rangoon.

Bà Rice nói: "Thật đáng buồn khi chính quyền Miến Điện thay vì để cho quốc tế đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ nhân dân của họ, thì họ đã đặt ra những chướng ngại cho sự đáp ứng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với Trung Quốc cũng như các nước có ảnh hưởng với Miến Điện.”

Cho đến nay các tổ chức cứu trợ vẫn thúc giục các tướng lãnh của nước này mở cửa để đón nhận cứu trợ. Ông Richard Horsey, phát ngôn viên của Văn phòng điều hợp cứu trợ Liên hiệp quốc, đã kêu gọi như sau.

Ông Horsey nói: "Giới hữu trách của nước này cần mở cửa cho các nỗ lực cứu trợ quốc tế. Hiện không có đủ thuyền bè, xe tải, máy bay trực thăng, tại nước này để tiến hành các nỗ lực cứu trợ với qui mô mà chúng ta cần có.”

Trong nhiều năm qua, các chính phủ Tây Phương đã kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tay gây áp lực để đòi quân đội Miến Điện tiến hành cải tổ chính trị, ngưng đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến và trả tự do cho những người bị giam cầm vì chĩ trích chính quyền. Nhưng cho đến nay, lời kêu gọi này không đạt được thành quả nào đáng kể.