Cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ huấn luyện cho cảnh sát VN

Nhân viên Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ đang có mặt tại Việt Nam trong tháng này để huấn luyện nhân viên Việt Nam trong việc bố ráp các ổ ma túy. Hoa Kỳ muốn Việt Nam hợp tác trong cuộc chiến chống các tay buôn bán ma túy quốc tế. Tuy nhiên, theo bài tường trình do cộng tác viên Matt Steinglass của Đài VOA từ Hà Nội gửi về thì các chuyên viên cho rằng công tác của cảnh sát không phải là phần quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tệ nạn ma túy tại Việt Nam.

Dưới sự chỉ dẫn của một nhân viên Cơ Quan Bài trừ Ma Túy Hoa Kỳ, một đội cảnh sát với khăn đen bịt mặt tiến vào một ổ ma túy.

Huấn luyện viên Boix chỉ dẫn là phải có người đứng chấn phía bên này của cửa ra vào, và quí vị nghe thấy tiếng chân của lực lượng cảnh sát đá vào cánh cửa để tiến vào căn phòng, và tiếng hô của huấn luyện viên Boix nhắc nhở lực lượng cảnh sát phải coi chừng phía sau lưng của mình.

Đạn sử dụng trong vụ thực tập là đạn giả, bắn ra những vết sơn, còn sào huyệt của bọn buôn lậu ma túy là một căn nhà được dựng tạm bằng những tấm ván trên bãi đậu xe của trường huấn luyện cứu hỏa. Nhân viên Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ đang chỉ dẫn cho các đối tác Việt Nam biết cách thức người Mỹ hành động trong việc bố ráp một ổ ma túy. Ông Joe Boix là người cầm đầu phòng huấn luyện vũ khí và chiến thuật của Cơ Quan Bài trừ Ma Túy ở tiểu bang Arizona.

Ông Boix nói: "Tệ nạn ma túy là một vấn đề quốc tế. Tệ nạn này giết hại trẻ em, giết hại các gia đình, và xảy ra khắp mọi nơi, mọi chốn."

Trung Tá Vũ Tiến Chiến thuộc lực lương biên phòng của tỉnh Lai Châu cho hay những điều học hỏi trong các buổi huấn luyện này khác với những gì ông thường làm.

Nạn nghiện ngập ma túy đang bành trướng mau lẹ tại Việt Nam kể từ khi nước này mở cửa để buôn bán với nước ngoài cuối thập niên 1980. Chính phủ nói là có khoảng 169,000 con nghiện tại Việt nam, nhưng các chuyên gia độc lập cho hay con số thực sự cao hơn thế nhiều. Việc sử dụng các loại thuốc amphetamine và thuốc lắc cũng ngày càng nhiều."

Tuy nhiên, không có loại thuốc nào được sản xuất tại Việt Nam. Heroin được đưa từ Lào qua biên giới vào Việt Nam, và phần lớn có thể phát xuất từ Miến Điện, nước sản xuất heroin nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau có Afghanistan.

Theo ông Jeff Wanner, nhân viên Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, phần lớn ma túy được đưa vào Việt Nam để rồi được chuyển đi các nước khác, như Trung Quốc và Úc chẳng hạn. Ông Wanner cho hay mục tiêu chính của Hoa Kỳ không phải là cắt giảm tệ nạn sử dụng ma túy tại Việt Nam.

Ông Wanner nói: "Mục tiêu chính của chúng tôi là truy lùng các tổ chức quốc tế. Chúng tôi giúp Việt Nam làm chuyện này. Đó là mục tiêu của chúng tôi, giúp Việt Nam giải quyết vấn đề trong nước. Thế nhưng chúng tôi muốn nhắm vào các tổ chức lớn hơn, các tổ chức có tầm vóc quốc tế.

Những vụ huấn luyện như thế này có thể giúp gia tăng công cuộc hợp tác giữa cảnh sát Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng không có tác dụng nhiều trong việc làm giảm nạn nghiện ngập ma túy tại Việt Nam.

Ông Jason Eligh, một chuyên viên về cắt giảm nạn nghiện ngập ma túy, làm việc tại Văn Phòng của Liên Hiệp quốc đặc trách vấn đề ma túy tại Hà Nội, nói rằng đúng ra những hành động gay gắt hơn của cảnh sát lại làm cho nạn sử dụng ma túy tệ hại hơn nữa.

Ông Eligh giải thích: “Nếu cảnh sát hành động gắt gao, cứng rắn, nhằm ngăn chặn mọi chuyện liên hệ tới ma túy như tống giam vào tù, phạt nặng, thì những điều này khiến các con nghiện tránh xa nhân viên công lực. Tại Việt Nam, việc sử dụng ma túy được coi như một tệ nạn xã hội và một tội ác. Nơi nào luật lệ được áp dụng quá mạnh mẽ, người ta sẽ thấy các con nghiện không muốn tham gia vào các dịch vụ của chính quyền.”

Việc thi hành pháp luật một cách khắt khe có thể khiến các con nghiện tránh xa những tổ chức nhằm giúp đỡ họ, tránh xa những dịch vụ như trao đổi kim chích hoặc thử nghiệm về vi rút HIV. Sự kiện này có thể dẫn đến tình trạng nhiều ngưởi nhiễm HIV hơn. Việt Nam chống lại tệ nạn ma túy bằng cách buộc con nghiện phải vào các trung tâm cai nghiện trong hai năm.

Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, thời gian này có thể là 5 nãm. Tuy nhiên, chính phủ đã không có nhiều hành động giúp con nghiện hội nhập lại vào xã hội sau khi ra khỏi trung tâm cai nghiện, và theo ông Eligh, đa số con nghiện lại rơi vào tình trạng nghiện ngập.

Ông Eligh nói: “Có nhiều phương thức tốt đẹp để giải quyết nạn lệ thuộc vào ma túy và đường lối của Việt Nam không phải là một trong những phương thức này. Chắc chắn việc sử dụng methadone là đường lối tốt đẹp nhất trên thế giới hiện nay để giải quyết nạn lệ thuộc vào ma túy.”

Mới đây, Việt Nam đã thực hiện chương trình chữa trị đầu tiên bằng Methadone, và có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể thay đổi đường lối chữa trị con nghiện. Trong khi đó, cảnh sát Việt Nam tiếp tục bắt giữ thêm nhiều vụ vận chuyển ma túy. Tính từ đầu năm tới nay, đã có 13 tên buôn lậu ma túy bị kết án tử hình. Sự kiện này có thể khiến giá ma túy tăng cao. Kể từ tháng Giêng, giá một liều heroin bán trên đường phố đã tăng từ 3 đôla lên 6 đôla.

Tuy nhiên, nếu muốn chống tệ nạn ma túy trong nước, Việt Nam phải giúp đỡ các con nghiện cũng như phải bắt giữ các tên buôn bán ma túy.