Olympic có mang lại thay đổi ở Trung Quốc ?

Nhiều người ủng hộ cuộc vận động của Trung quốc để tổ chức Olympics dự báo rằng chính phủ Cộng Sản ở Bắc kinh sẽ tiến hành một số biện pháp cải cách chính trị để đáp ứng kỳ vọng của Ủy ban Olympics Quốc tế. Nhưng những người chỉ trích nói rằng thay vì cởi mở hơn, Trung quốc lại lợi dụng lòng yêu nước của dân chúng để gia tăng sự đàn áp đối với những người khác biệt chính kiến. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật chi tiết về vấn đề này sau đây.

Một cuộc thăm dò mới đây của Dự án Thái độ Toàn cầu của tổ chức nghiên cứu Pew ở Mỹ cho thấy rằng 90% dân chúng Trung quốc nghĩ rằng Olympics sẽ cải thiện hình ảnh của nước họ trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Bruce Stokes, một bình luận gia của tờ National Journal, tham gia cuộc thăm dò này, vì tự hào dân tộc ở Trung quốc quá cao cho nên bất cứ một sự xáo trộn hay gián đoạn nào đối với đại hội thể thao này cũng dễ tạo ra sự căm ghét của người Trung quốc đối với Tây phương.

Ông Stokes nói:"Nếu Olympics có xảy ra bất kỳ vấn đề nào, bất kể đó là vấn đề ô nhiễm, hay là vấn đề biểu tình, hay thậm chí là vấn đề đội tuyển Trung quốc không đạt được thành tích tốt, mà điều đó lại được giới truyền thông Tây phương tường thuật rất cặn kẽ, thì công chúng ở Trung quốc sẽ có thêm một lý do nữa để nghĩ rằng các nước phương Tây có thái độ thù nghịch đối với đất nước của họ."

Những người ủng hộ việc Trung quốc được chọn để tổ chức Olympics có nhiều kỳ vọng đối với diễn tiến này.

Ông Victor Cha từng là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa kỳ và đang giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Đại học Georgetown ở Washington. Ông nói rằng dùng Olympics để giao tiếp một cách thầm lặng với Trung quốc là một phương pháp hữu hiệu để thúc đẩy Trung quốc thay đổi.

Ông nêu lên những ví dụ về điều mà ông gọi là những diễn tiến tích cực, như Trung quốc mở lại cuộc đối thoại song phương với Hoa kỳ về vấn đề nhân quyền, Trung quốc đồng ý đối thoại với giời lãnh đạo Đài loan, và Trung quốc có lập trường linh động hơn đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Dafur.

Giáo sư Victor Cha nói: "Nhiều nhà báo đã chú ý tới những sự thay đổi này và họ nói tới một cuộc cách mạng thầm lặng trong chính sách ngoại giao của Trung quốc. Và nhiều người trong số các nhà báo này cũng thừa nhận rằng Olymics bằng nhiều cách khác nhau đã khiến cho chính sách đối ngoại của Trung quốc thay đổi, những thay đổi mà các hoạt động ngoại giao tiến hành trong nhiều năm đã không tạo ra được."

Giáo sư Victor Cha nói thêm rằng sức ép để Trung quốc cải cách thêm nữa sẽ tiếp tục sau khi Olympics Bắc kinh kết thúc.

Bà Sophie Richardson, Giám đốc bộ phận Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), không tán đồng nhận xét của ông Cha. Bà nói rằng Olympics đã khiến cho chính phủ Trung quốc tụt hậu thêm về mặt nhân quyền và họ đã đàn áp những cuộc biểu tình ở Tây Tạng và gia tăng sự trấn áp đối với những nhân vật bất đồng chính kiến trong nước.

Bà Richardson nói: "Chúng tôi biết có những người đang phải thọ án tù về tội gọi là xúi giục lật đổ chính quyền chỉ vì họ đã phát biểu một cách công khai rằng họ muốn chính phủ cải thiện nhân quyền thay vì dồn nhiều thời giờ và năng lực cho việc tổ chức Olympics."

Những tin tức mới nhất từ Bắc kinh cho hay, Trung quốc đã không thể hiện cam kết là sẽ dành cho giới truyền thông quốc tế quyền tự do truy cập các websites trên internet.

Hôm qua, phát ngôn viên Tôn Duy Đức của Ủy ban Tổ chức Olympics nói rằng các nhà báo không được quyền truy cập những websites mà giới hữu trách Trung quốc xem là bất hợp pháp.

Sau một cuộc họp hôm thứ 5 với Ủy ban Olympics Quốc tế, Trung quốc đồng ý thu hồi lệnh cấm truy cập đối với một số websites - trong đó có websites của Hội Ân xá Quốc tế và của đài BBC. Nhiều websites khác vẫn tiếp tục bị giới hữu trách Trung quốc ngăn chận, kể cả website của Pháp Luân Công và của chính phủ lưu vong Tây Tạng.