Các quốc gia Phi Châu cho biết họ rất thất vọng về sự sụp đổ của Vòng đàm phán Doha về vấn đề phát triển. Họ kêu gọi sớm nối lại các cuộc đàm phán bị tan vỡ nhằm giải quyết các vấn đề về mậu dịch công bằng vô cùng cấp thiết để châu Phi thoát khỏi tình trạng nghèo khó. Từ trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO, tại Geneve, thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Vòng đàm phán Doha về phát triển đã sụp đổ sau 9 ngày ráo riết thảo luận. Các vị bộ trưởng từ 30 quốc gia không đồng ý về việc quy lỗi cho ai về sự thất bại này. Nhưng họ nhất trí trong việc bầy tỏ sự hối tiếc về điều mà họ gọi là một cơ hội bỏ lỡ.
Trong số này có khối các quốc gia Phi Châu. Phát biểu thay mặt cho nhóm này, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Thương mại Kenya, ông Uhuru Kenyatta, nói rằng các nước Phi Châu thất vọng về kết quả của các cuộc thương nghị. Ông nêu ra rằng hầu hết các vấn đề chính yếu về quyền lợi của lục địa Phi Châu thậm chí cũng không được đưa ra thảo luận, nhất là về vấn đề bông sợi. Tuy nhiên, ông cho rằng điều quan trọng là tôn trọng lời hứa của Doha.
Ông Kanyatta nói: “Không cần phải bắt đầu quy lỗi hay vạch ra là ai phải chịu trách nhiệm về tình hình này. Vấn đề cấp thiết trước mắt chúng ta là tập trung vào việc có hành động nhanh như thế nào để nắm giữ và bảo toàn bất kỳ tiến bộ nào đã thực hiện được trong một số vấn đề quan trọng trong các cuộc thương nghị. Đây phải là khởi điểm của chúng ta khi các cuộc thượng nghị tiếp tục.”
Ông Kenyatta nói rằng nghị trình vòng đàm phán Doha về phát triển có liên hệ trực tiếp đến vấn đề tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Ông kêu gọi các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới giữ nguyên cam kết để vòng đàm phán có thể kết thúc mà không bị trì hoãn thêm.
Ông Kanyatta nói: “Lập trường của chúng tôi là châu Phi cần phải gấp rút thực hiện phát triển và thoát ra khỏi tình trạng nghèo khó qua việc thiết lập mậu dịch bình đẳng thay vì viện trợ. Vì thế mà cơ hội của châu Phi đạt được mậu dịch bình đẳng đã bị tổn hại nặng nề vì sự thiếu tiến bộ trong các cuộc thương nghị này.”
Các nhà thương thuyết về mậu dịch quốc tế đồng ý rằng đã đạt được nhiều nhượng bộ và thỏa hiệp quan trọng trong một nỗ lực đạt được một loạt các thương ước. Hoa Kỳ đã bác bỏ những yêu cầu của Trung quốc và Ấn Độ đòi giúp các nước đang phát triển bảo vệ nông gia của họ trước sự gia tăng hàng nhập của các nước giàu hơn hoặc sự sụt giá nông sản. Hai cường quốc đang lên này nhấn mạnh rằng các nước nghèo phải được phép áp đặt các mức thuế cao hơn như một biện pháp bảo hộ mậu dịch.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Susan Schwab nói rằng đã có sẵn một cơ chế bảo hộ nhằm giải quyết sự gia tăng về nông sản nhập khẩu. Bà cho rằng các yêu sách này là không cần thiết và có thể dẫn đến tình trạng thị trường khép kín hơn là cởi mở.
Bà Schwab nói: “Đương nhiên, điều trớ trêu là tất cả cuộc tranh luận về việc nâng cao các rào cản nhập khẩu thực phẩm khó dễ ra sao đã diễn ra trong tình hình một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khi mà điều cuối cùng mà chúng ta nên đề cập tới và thương nghị, hoặc thậm chí nghĩ tới, là nâng cao các rào cản về thực phẩm.”
Bà Schwab nói rằng Washington giữ nguyên các đề nghị, trong đó có việc cắt giảm trợ cấp nông phẩm, và nếu các nước khác đáp lại một cách có ý nghĩa thì chung cuộc có thể đạt được một thỏa thuận. Bà nói rằng vòng đàm phán Doha về phát triển là phương cách tiến tới và điều quan trọng là tái tục các cuộc thương nghị càng sớm càng tốt.