Nhiều trẻ em, thiếu niên và ngay cả người lớn ở Hoa Kỳ đều quay ra đọc sách biếm họa để giải trí. Các siêu anh hùng tràn ngập những trang sách hài hước kể lại những câu chuyện bi thảm và vinh quang. Một tác giả sách biếm họa đang gây được tiếng vang nhờ dùng nghệ thuật của mình để giúp mọi người hiểu rõ về HIV và AIDS. Biên tập viên Paige Kollock của đài VOA có bài viết về người nghệ sĩ này.
Ông Robert Walker là một họa sĩ biếm họa. Như phần lớn các siêu anh hùng khác, các nhân vật của ông Walker có các biệt tài. Người thì có thể nhìn thấy mọi thứ trong bóng tối, người thì có thể nâng hơn 300 tấn, còn người thì có thể chết đi sống lại. Và cũng như đa số các siêu anh hùng, họ đều gặp những tai ách. Tai ách mà họ phải gánh chịu là tất cả đều bị nhiễm HIV dương tính.
Ông Walker nói: “Lý do khiến tôi trở thành người quảng bá cho sự hiểu biết về HIV và AIDS là bởi vì tôi đã trải qua kinh nghiệm khi còn nhỏ. Tôi đã chứng kiến các thành viên trong gia đình, như một số người trong nhà, chết. Khi tôi dời đến ở New York, thì dường như tháng nào cũng có người đến nói với tôi rằng họ vừa khám phá ra là bị nhiễm bệnh.”
Vì thế mà ông Walker đã vận dùng tài họa của mình để sáng tác một cuốn sách có tên là OMen. Các nhân vật trong sách gồm 9 người bị nhiễm HIV dương tính, cả nam lẫn nữ, thuộc mọi giới khác nhau về xu hướng quan hệ tình dục: cùng phái tính, khác phái tính hay lưỡng tính, đại diện cho nhiều chủng tộc và từng lớp kinh xã khác nhau. Tất cả đều bị nhiễm bệnh một cách khác nhau. Ông Walker cho biết ông muốn chống lại thành kiến về HIV.
Ông Walker nói: “Đó không phải là căn bệnh của người da đen; đó không phải là căn bệnh của người da trắng; đó không phải là căn bệnh của giới đồng tính luyến ái. Đó là căn bệnh của loài người thiếu sự hiểu biết.”
Tại Midtown Comics, một cửa hàng chuyên về loại sách hài hước ở Manhattan, một trong những người chủ tiệm là ông Gerry Gladston cho biết nhiều sách hài hước thường đem theo một thông điệp về chính trị, xã hội và giáo dục.
Ông Gladston nói: “Sách hài thường phản ánh thời đại, khởi đầu bằng truyện hài về Superman, trong đó nhân vật chính đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai, và một hay hai năm sau đó, là truyện Captain America với tranh bìa vẽ hình nhân vật chính đấm vào mặt Hitler.”
Ông Walker đã không khởi sự một cách dễ dàng khi đến thành phố New York từ tiểu bang Florida miền nam mang theo có 15 đôla trong túi và một giác mơ trở thành nghệ sĩ vẽ tranh biếm họa. Ngày nào ông cũng đến Marvel, nhà xuất bản lớn chuyên về loại sách tranh biếm họa với hy vọng tìm ra được dịp may. Cuối cùng, ông đã tìm được.
Ông Walker cho biết: “Tôi tự nhủ, tôi sẽ giả vờ đánh rơi tác phẩm của tôi ngay trước mặt người bước ra khỏi thang máy kế tiếp. Thế là khi cửa thang máy mở là tôi làm như thế. Ông ta đã giúp tôi nhặt các bức tranh lên và nói, tranh của ông đẹp đấy. Tôi cảm ơn ông ta và ông ấy mời tôi vào phòng để xem các bức tranh. Tôi đã vào nghề như thế.”
Ông Walker đã nói chuyện với nhiều tổ chức HIV/AIDS để tham khảo về cuốn sách. Ông cho biết ông muốn các bối cảnh truyện phải mang tính thực tế và chính xác.