Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều nhận xét về tình hình tại Miến Điện trong lúc Quốc hội thảo luận về dự luật củng cố và tái gia hạn các biện pháp chế tài kinh tế đơn phương đối với chính phủ quân nhân Miến Điện. Phóng viên Dan Robinson của đài VOA tường trình về sự kiện này từ Quốc hội Mỹ.
Hạ viện Mỹ đã biểu quyết gia hạn các biện pháp chế tài thương mại của Hoa Kỳ đối với Miến Điện thêm một năm nữa, trong lúc một phiên bản của dự luật này cũng được đưa ra trước một Ủy ban của Thượng viện xem xét.
Các biện pháp chế tài này ngăn cấm mọi việc nhập khẩu từ Miến Điện vốn được áp dụng từ năm 2003, như một phản ứng của Hoa Kỳ đối với việc chế độ quân nhân Miến Điện từ chối phục hồi dân chủ và cải thiện tình trạng nhân quyền.
Trong cuộc tranh luận hôm thứ Tư, các dân biểu của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên tiếng ủng hộ việc gia hạn. Họ nêu ra sự kiện là nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện sử dụng bạo lực đối với các người biểu tình đòi dân chủ hồi năm ngoái, và sự kiện họ thoạt đầu đã ngăn cản công tác cứu trợ của quốc tế cho nạn nhân bão lốc.
Dân biểu Sander Levin thuộc đảng Dân chủ và đại diện cho bang Michigan tuyên bố: "Tuy có những mối quan tâm về tính hiệu quả phổ quát của các biện pháp cấm vận đơn phương, nhưng Miến Điện rõ ràng là một tình huống đặc thù. Có đầy đủ bằng chứng cho thấy Miến Điện ngang nhiên tiếp tục không tôn trọng nhân quyền và trấn áp dân chủ, do đó việc tiếp tục áp dụng lệnh cấm này thêm một năm nữa là rất quan trọng."
Dân biểu Wally Herger thuộc đảng Cộng hòa tự mô tả ông là người hoài nghi về hiệu quả của việc chế tài. Ông cho rằng lệnh cấm nhập khẩu của chính phủ Mỹ dường như đã không thúc đầy được Miến điện tiến tới dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Dù vậy, theo ông Herger, việc Hoa Kỳ cấm vận phải được tiếp tục vì tình hình ngày càng xấu đi chứ chẳng khá hơn.
Ông Herger nói: "Sau những diễn biến hồi năm ngoái, tôi tin là chúng ta không có sự lựa chọn nào khác hơn là tiếp tục chế tài, không những là để nhắc nhở các lãnh tụ Miến Điện rằng những hành vi của họ không thể nào được tha thứ, mà còn để cho người dân nghèo khổ Miến Điện biết là chúng ta không từ bỏ nghĩa vụ tranh đấu cho họ."
Bên cạnh việc triển hạn lệnh cấm nhập khẩu, Quốc hội còn xúc tiến thông qua dự luật Ngọc Miến Điện, để xóa bỏ kẽ hở mà các loại ngọc và đá quý của Miến điện được đưa vào thị trường Hoa Kỳ qua một nước thứ ba. Dự luật đã được Hạ viện thông qua và được Thượng viện chấp thuận hôm thứ Ba, còn quy định rằng các thành viên chính phủ quân nhân Miến Điện cùng các quan chức quân sự và gia đình họ không được cấp chiếu khán nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Trong khi đó, các nhà lập pháp lại không ghi kèm một điều khoản của luật quy định công ty Chevron của Hoa Kỳ phải rút khỏi dự án khí đốt thiên nhiên ở mỏ Yadana trong lãnh hải Miến Điện. Thay vào đó, luật Ngọc Miến điện chỉ có những từ ngữ không cưỡng hành, kêu gọi công ty Chevron xem xét tới việc rút đầu tư ra khỏi dự án, nếu nhà cầm quyền quân nhân không xúc tiến dân chủ hóa hoặc thực hiện những biện pháp cải cách khác.
Vấn đề Miến Điện cũng được nêu lên trong buổi điều trần của Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện về Trung Quốc và Olympics 2008. Tại cuộc điều trần này, dân biểu Dana Rohrabacher chỉ trích Bắc Kinh về sự ủng hộ của họ dành cho nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện và can dự vào những nơi như ở Sudan.
biểu Dana Rohrabacher nói: "Chúng ta nên nhớ là tại sao chế độ độc tài có ở Miến Điện? Chính vì có chế độ độc tài ở Bắc Kinh. Miến Điện là nước chư hầu của đảng cộng sản Trung Quốc."
Người bảo trợ chính cho dự luật cấm nhập khẩu từ Miến Điện, dân biểu Joseph Crowley thuộc đảng Dân chủ, hôm thứ Tư kêu gọi ASEAN và Liên hiệp Châu Âu có thêm biện pháp để gia tăng áp lực về tài chính và về những mặt khác đối với chế độ quân nhân Miến Điện.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice trong cuộc gặp gỡ tại Singapore đã nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng chính vì quyền lợi của khối này mà họ nên thúc ép các tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện khởi sự đối thoại với các lãnh tụ dân chủ trong nước họ.