Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice lên tiếng hối thúc Bắc Triều Tiên chấp thuận một kế hoạch có mục đích kiểm chứng các hoạt động hạt nhân của họ. Lời kêu gọi vừa kể được đưa ra ngày hôm nay trong lúc bà Rice rời khỏi Singapore, nơi mà đã có cuộc họp lần đầu tiên với vị Bộ trưởng ngoại giao của Bắc Triều Tiên. Từ Singapore, thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Ngoại trưởng Rice cho biết rằng bản khai báo mà Bắc Triều Tiên đệ nạp hồi tháng 6, trong đó Bình Nhưỡng kê khai số lượng plutonium mà họ đã sản xuất, vẫn còn nhiều nghi vấn. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói rằng ông ai có thể tin những gì mà Bắc Triều Tiên nói về các hoạt động hạt nhân của họ nếu không kiểm chứng được bằng những phương thức được quốc tế công nhận. Bà Rice nói thêm rằng vấn đề giờ đây hoàn toàn tùy thuộc vào việc Bắc Triều Tiên có phúc đáp tích cực đối với một bản sơ thảo về việc thực hiện công tác kiểm chứng hay không.
Bà Rice tuyên bố như thế sau khi đã họp trong ngày hôm qua tại Singapore với các vị ngoại trưởng của 5 nước khác tham gia cuộc đàm phán 6 bên. Tại cuộc họp được tổ chức bên lề hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN này, bà Rice đã gặp gỡ lần đầu tiên với vị Bộ trưởng ngoại giao của Bắc Triều Tiên là ông Pak Ui Chun.
Phát ngôn viên của phái đoàn Bắc Triều Tiên, ông Ri Tong Il hôm nay cho báo chí biết rằng cuộc họp vừa kể đã có được điều mà ông gọi là 'tiến bộ tích cực."
Theo lời ông Ri, Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh với ngoại trưởng Rice rằng tất cả mọi vấn đề đều có thể giải quyết được nếu Hoa Kỳ thực thi các cam kết của mình. Ông nói thêm rằng tất cả các phe phải hành động dựa trên nguyên tắc "một hành động đổi lấy một hành động."
Trước đây, Bình Nhưỡng đã đồng ý tháo dỡ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ lương thực và năng lượng. Hoa Kỳ cũng đồng ý đưa tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, một diễn tiến giúp cho Bắc Triều Tiên có được sự thừa nhận ngoại giao của Hoa kỳ mà họ đang muốn có.
Vào lúc kết thúc cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày hôm nay, các giới chức ASEAN cho biết họ muốn giúp Bắc Triều Tiên chấm dứt tình trạng bị cô lập. Ngoại trưởng George Yeo của Singapore, là nước giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, kêu gọi Bắc Triều Tiên noi gương tự do hóa của Việt Nam.
Ông Yeo nói: "Tuy không có vai trò quan trọng ở bán đảo Triều Tiên, nhưng chúng tôi có thể đề nghị một đường lối khác mà Bắc Triều Tiên nên đi theo trong tương lai. Thí dụ như Việt Nam là nước thật sự có thể là một mô thức cho Bắc Triều Tiên. Bởi vì, cũng giống như Bắc Triều Tiên, Việt Nam là một nước cộng sản với một tổ chức trung ương hóa, một đảng chính trị duy nhất. Nhưng họ đang mở cửa kinh tế, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, và tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo. Nếu Bắc Triều Tiên đi theo con đường này thì họ cũng có thể có được những lợi ích như vậy."
Tại hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN, Bắc Triều Tiên đã ký kết một hiệp ước bất tương xâm với các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á.