Luật sư của ông Radovan Karadzic, cựu lãnh đạo Bosnia-Serbia, cho hay ông Karadzic sẽ tự bào chữa trước Tòa án quốc tế xét xử những người phạm tội ác chiến tranh ở Nam Tư cũ. Tại tòa án ở La Hague này, ông Karadzic bị truy tố tội diệt chủng, và các tội ác chiến tranh khác mà ông đã làm tại Bosnia trong thập kỷ 1990. Thông tín viên Sonja Pace của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ từ London có bài tường trình sau đây.
Lãnh đạo của các nước phương tây hoan nghênh việc chính phủ Serbia bắt được ông Radovan Karadzic. Nhiều nhà lãnh đạo đã lưu ý rằng đó là bằng chứng cho thấy chính phủ mới đắc cử của Tổng thống Boris Tadic cam kết hợp tác với tòa án quốc tế và đang đưa đất nước Serbia vào quỹ đạo của Liên hiệp châu Âu.
Ông James Lyon, một nhà phân tích cấp cao chuyên về Balkan của tổ chức đánh giá rủi ro có trụ sở ở Brussels, tên là International Crisis Group, từ Belgrade đã nói với đài VOA rằng rõ ràng Tổng thống Tadic và đảng của ông tỏ ra quyết tâm hội nhập với châu Âu, tuy nhiên dư luận vẫn hoài nghi là vụ bắt giữ này có ai đó sắp đặt.
Ông Lyon nói: “Điều khó lý giải ở đây là chính phủ của ông Tadic lên nắm quyền chưa đủ lâu để có thể kiểm soát được hoạt động của lực lượng cảnh sát và mật vụ. Chúng ta phải nhớ rằng tân chính phủ này mới bổ nhiệm một giám đốc ngành cảnh sát chìm, chỉ 4 ngày trước khi xảy ra vụ bắt ông Karadzic. Như vậy rõ ràng là họ chưa có đủ thời gian để thật sự vận hành bộ máy.”
Câu hỏi đặt ra ở đây là ai đã quyết định là đã đến thời điểm phải đưa Karadzic ra. Phân tích gia Svetozar Rajak của đại học kinh tế London School of Economics nói rằng trong lúc chính phủ chưa có đủ thời gian để tổ chức chiến dịch bắt giữ nhân vật này, có lẽ một số cá nhân nào đó đã sắp đặt mọi diễn biến.
Phân tích gia Rajak nói: “Chúng ta biết rằng người đứng đầu ngành mật vụ Serbia sắp thôi chức là ông Bilatovic đã từng được ca ngợi, thậm chí được cả cựu công tố viên Carla del Ponte của Tòa án quốc tế ca ngợi là đã tích cực hợp tác với các cơ quan tình báo của các nước tây phương trong nỗ lực truy bắt Karadzic và Ratko Mladic.”
Phân tích gia Rajak nói rằng có một điều khá chắc chắn là một số người trong ngành tình báo ắt hẳn phải biết ông Karadzic đang lẩn trốn trong khu vực kiểm soát của họ.
Ông Rajak nhận định: “Đối với người đào tẩu trong một thời gian dài và bị thế giới truy tầm gắt gao nhất như vậy, cần phải có một tổ chức mật vụ quy mô lớn, rất tốn kém, tinh vi với những chuyên gia thật giỏi thì mới có thể truy bắt được.”
Những câu hỏi là ai đã biết Karadzic ở đâu, bao lâu rồi, và ai quyết định giao nạp ông, có lẽ phải chờ thời gian mới có câu trả lời. Tuy nhiên theo phân tích gia James Lyon thì chính phủ Serbia vẫn nên được ca ngợi.
Chính phủ Serbia nói rằng họ đang chuẩn bị giải giao Karadzic cho tòa án La Haye. Tại đó Karadzic bị truy tố tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội chống lại nhân loại mà ông đã phạm trong cuộc chiến tranh Bosnia vào thập kỷ 1990. Karadzic và cựu tư lệnh quân đội Ratko Mladic có liên hệ đặc biệt đến vụ thảm sát Srebrenica năm 1995. Trong vụ đó 8,000 người đàn ông và trẻ em trai Hồi giáo bị giết chết, và ước tính khoảng 10,000 người khác đã chết khi thủ đô Sarajevo của Bosnia bị bao vây gần 4 năm liền.
Nhân vật thứ hai và là người cuối cùng mà tòa án quốc tế muốn bắt là cựu lãnh đạo Croatia-Serbia, ông Goran Hadzic.
Liên hiệp châu Âu đặt điều kiện là việc giao nộp tất cả các nghi can tội ác chiến tranh sẽ là một yếu tố quan trọng để xét duyệt đơn xin của Serbia làm thành viên của liên hiệp.