Djibouti đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực

Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc nói Djibouti đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng lương thực và nạn thiếu dinh dưỡng rất đáng lo ngại. Chương Trình Lương Thực Thế Giới khẩn cấp kêu gọi quốc tế đóng góp 19 triệu đôla để cung cấp lương thực cho 150 ngàn người thuộc thành phần gặp nhiều khó khăn nhất trong năm tới. Từ Geneve, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật sau đây.

Djibouti là một nước nhỏ bé ở vùng Sừng Châu Phi, bị lu mờ bởi các nước láng giềng lớn hơn, như Ethiopia và Sudan, và do đó không lôi cuốn được sự chú ý của giới truyền thông và của thế giới nói chung.

Sự kiện đó, theo Giám Đốc Chương Trình Lương Thực Thế Giới Daly Belgasmi, đã khiến đời sống của người dân tại xứ sở vô cùng nghèo khó này, trở nên cực kỳ khó khăn.

Ông Belgasmi phát biểu: “Chương Trình Lương Thực Thế Giới chúng tôi hết sức quan tâm về số phận của hàng trăm triệu người mà chúng tôi đang cung cấp lương thực thường xuyên. Vì rất nhỏ bé và giới truyền thông không tường trình về những gì xảy ra tại đó, Djibouti hầu như đã bị bỏ quên.”

Djibouti xếp hạng thứ 148 dựa theo Chỉ Số Phát Triển Con Người của Liên Hiệp Quốc. Nước này chỉ có 632,000 dân, trong đó hết gần 3/4 sống trong nghèo khó, khoảng 45% sống trong cảnh hết sức túng quẫn hoặc với mức thu nhập chưa tới 1 đôla một ngày.

Nguồn thu nhập chủ yếu của Djibouti là bến cảng, được Hoa Kỳ và nước Pháp sử dụng làm căn cứ quân sự. Djibouti không trồng trọt được bất cứ thứ gì, và phải nhập khẩu toàn bộ lương thực cần thiết.

Giám Đốc Chương Trình Lương Thực Thế Giới, ông Belgasmi nói cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới hiện nay đang có những tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của người dân Djibouti. Ông nói ông đã chứng kiến nhiều trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính, các ca thiếu máu và nhiễm trùng mắt.

Ông Belgasmi nói: “Không có nước, không có nơi trú nắng trú mưa, không có vệ sinh, không có lương thực. Ngoài ra, vì cuộc khủng hoảng lương thực, nhiều người phải dời cư từ khu vực thôn quê đến các khu ngoại ô. Tình trạng này hết sức đáng lo ngại, an ninh lương thực càng lúc càng trở nên tệ hại hơn trong 12 tháng qua. Toàn thể dân số Djibouti đã bị ảnh hưởng nặng nề, hết sức nặng nề vì lương thực, thực phẩm tăng giá.”

Tỷ lệ thất nghiệp của Djibouti hiện ở mức 60%. Trong tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng vọt, đa số cư dân Djibouti không còn khả năng xoay sở để kiếm sống.

Ông Belgasmi, Giám đốc Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc mô tả tình hình tại Djibouti là vô cùng thê thảm đối với người dân túng quẫn, đói kém, và bị thế giới lãng quên.