Một cuộc tái xét độc lập về các loại nhiên liệu sinh học kết luận rằng
sản xuất nguồn nhiên liệu thay thế này là yếu tố đóng góp đã khiến giá
lương thực-thực phẩm gia tăng trên toàn cầu. Kết quả nghiên cứu cũng
cho thấy là các loại nhiên liệu sinh học, trên thực tế, có thể làm tăng
các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kiếng, điều mà người ta hy vọng
nhiên liệu sinh học có thể giúp giảm thiểu. Như lời tường thuật của
thông tín viên Tendai Maphosa từ London, thì đây chỉ là một trong nhiều
phúc trình bày tỏ quan tâm và kêu gọi các nước hãy xét lại việc sản
xuất nhiên liệu sinh học.
Chính phủ Anh đã yêu cầu thực hiện
cuộc nghiên cứu tái xét việc sản xuất nhiên liệu. Công trình này, do
Giáo Sư Gallagher đứng đầu, kết luận rằng nước Anh không nên từ bỏ
nhiên liệu sinh học, thế nhưng nên giảm tốc độ sản xuất và sử dụng loại
nhiên liệu này. Tác giả cuộc nghiên cứu đề nghị nên áp dụng một đường
lối tiếp cận thận trọng hơn cho tới khi nào các chính sách quốc tế đã
được thiết lập.
Giới chỉ trích lập luận rằng các khu rừng nhiệt
đới và nhiều khu vực thuộc thế giới đang phát triển có thể bị tác động
tai hại vì đất đai, trước đây được dùng để trồng cây lương thực, nay
được chuyển sang để trồng các loại cây dùng vào việc sản xuất nhiên
liệu.
Chính phủ Anh đã chấp thuận những đề nghị do phúc trình
đưa ra. Bộ Trưởng Giao Thông Ruth Kelly đã lên tiếng trước diễn đàn
Quốc Hội Anh và đề cập đến những kết luận trong bản phúc trình.
Giáo
Sư Gallagher còn kết luận rằng có một nguy cơ là phát triển và sử dụng
nhiên liệu sinh học có thể dẫn đến những thay đổi liên quan tới việc sử
dụng đất đai một cách không bền vững, như việc phá hủy các rừng nhiệt
đới để trồng các loại cây dùng vào việc sản xuất nhiên liệu sinh học.
Làm như thế trên thực tế, có thể làm tăng các loại khí thải gây hiệu
ứng nhà kiếng, và cùng lúc, đóng góp làm tăng giá lương thực-thực phẩm,
dẫn đến tình trạng thiếu lương thực.
Một tổ chức chống nạn
đói, có tên là Action Aid, nói nhiên liệu sinh học đã đẩy giá lương
thực lên tới 30%. Cơ quan này kêu gọi nên đặt ra tạm ngưng trong vòng 5
năm trợ cấp dành cho những người trồng cây để làm nhiên liệu sinh học,
và cùng lúc gia tốc các nguồn nhiên liệu thay thế khác.
Một nữ
phát ngôn viên của tổ chức Action Aid về vấn đề nhiên liệu sinh học, bà
Claire Melamed, nói với đài VOA rằng mặc dù tổ chức của bà hoan nghênh
phúc trình của Giáo sư Gallagher, kêu gọi hãy thận trọng đối với việc
phát triển nhiên liệu sinh học, nhưng tổ chức của bà cảm thấy thất
vọng.
Bà Melamed nói: "Chúng tôi đã hy vọng sẽ có một phản ứng
quyết liệt hơn, như chúng ta nên ngưng sản xuất nhiên liệu sinh học
ngay từ bây giờ, và hoàn toàn xét lại vấn đề làm thế nào và nên chọn
nơi nào để sản xuất nhiên liệu sinh học có thể giúp giảm thiểu khí thải
gây hiệu ứng nhà kiếng, mà không đẩy hàng triệu người vào tình trạng
đói kém."
Nước Anh đã đồng thuận với một quyết định của Liên
Hiệp Châu Âu, kêu gọi là tới năm 2010, tất cả các loại xăng hoặc dầu
bán ra ở trong nước phải gồm 5% nhiên liệu sinh học. Tỷ lệ này sẽ tăng
lên 10% trước năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, khởi sự từ đầu năm
nay, 2,5% tất cả các loại xăng và dầu được bán ra trong nước Anh đều
xuất phát từ các loại cây trồng.
Nhiên liệu sinh học chủ yếu được sản xuất từ các loại cây như bắp, mía và các loại dầu sinh học.
Hồi
đầu tháng, nhật báo The Guardian của Anh đã trích một phúc trình của
Ngân Hàng Thế Giới còn được giữ kín, nói rằng nhiên liệu sinh học đã
đẩy giá lương thực-thực phẩm trên thế giới lên tới 75%. Theo tờ The
Guardian, thì phúc trình này được dựa trên một cuộc phân tích chi tiết
nhất từ trước tới nay về cuộc khủng hoảng này. Tác giả phúc trình là
một nhà kinh tế nổi danh được thế giới tôn trọng, ông làm việc cho một
cơ quan tài chánh quốc tế.
Các vấn đề nhiên liệu sinh học, thay
đổi khí hậu, và việc gia tăng giá lương thực toàn cầu là những đề tài
ghi trong nghị trình thảo luận tại Hội Nghị Cấp Cao G-8 vừa qua ở Nhật
Bản. Tại hội nghị này, Thống Đốc Ngân Hàng Thế Giới Robert Zoelick đã
nói rằng nhiên liệu sinh học là yếu tố đóng góp làm tăng giá lương
thực-thực phẩm. Ông Zoelick đặc biệt đề cập đến nhiên liệu chế biến từ
bắp và hạt cải dầu sản xuất tại Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.