Một tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền nói rằng bạo động đang gia
tăng vào lúc quân đội Thái chống trả các phần tử nổi dậy ở miền nam
nước này. Các hành động tàn ác mới này đã đi ngược lại một sách lược
trước đây là tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc giao tranh. Từ
Bangkok, phái viên đài VOA Ron Corben ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật
sau đây.
Tổ chức Human Rights Watch đã lên án các hành động tàn
ác gia tăng của cả các phần tử nổi dậy lẫn quân đội Thái Lan. Tổ chức
này đặc biệt cảnh báo rằng bạo lực do quân đội gây ra đang gây phương
hại đến những nỗ lực trước đây là đạt được hậu thuẫn của cộng đồng Hồi
giáo trong việc chống phá nổi dậy.
Hơn 3,000 người đã thiệt mạng
tại 3 tỉnh nằm giáp ranh Malaysia kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu vào
năm 2004. Năm nay, các phần tử nổi dậy đã tăng cường các cuộc tấn công,
nhắm vào các giáo viên, công nhân viên chức và ngay cả các Phật tử cao
tuổi; hàng chục nạn nhân đã bị bắn chết trong khu vực họ ở hay bị chặt
đầu ngoài đồng ruộng.
Ông Sunai Pasuk là đại diện của tổ chức
Human Rights Watch tại Thái Lan. Ông cho biết để đối phó với tình trạng
này, một số cấp chỉ huy quân đội ở miền nam đã sử dụng bạo lực ngoài
vòng luật pháp chống lại các phần tử nổi dậy.
Ông Pasuk nói:
“Chúng tôi nhận thấy rằng lực lượng chính phủ ngày càng sử dụng các
sách lược ngoài vòng luật pháp, các sách lược bất hợp pháp, nhất là
bằng cách sử dụng việc bắt bớ độc đoán, lập sổ đen, tra tấn như một thủ
tục thông thườn trong chiến dịch chống nổi dậy. Vì thế mà hậu quả hiện
nay là một môi trường trong đó không còn lòng tin cậy giữa cộng đồng
hồi giáo và lực lượng chính phủ nữa.”
Ông Pakul nói rằng những
sách lựợc đó chỉ làm giảm thiểu hậu thuẫn của dân chúng dành cho quân
đội, và chúng có thể khích lệ thêm các hành động bạo tàn nơi phe nổi
dậy.
Ông Pasuk nói: “Nay ta thấy hậu quả của các sách lược mạnh
tay đó là môi trường dung dưỡng thêm cho các phần tử nổi dậy quá khích
vốn đã rất tàn bạo. Họ giết người mà không chớp mắt, và nay họ giết cả
trẻ em, họ giết phụ nữ, họ giết những người già cả không có khả năng tự
vệ.”
Ông Panitan Wattanayagorn, một chuyên gia phân tích quốc
phòng tại trường đại học Chulalongkorn, cho rằng các phần tử nổi dậy
dường như đang sử dụng vũ khí tinh vi hơn.
Ông Wattanayagorn
nói: “Về mặt chiến lược, toàn bộ hoạt động bạo lực có giảm bớt, nhưng
các trường hợp cá biệt và xu hướng như bom và sự tàn ác hoặc mức độ
phối hợp và thiết bị đang gia tăng về tính hữu hiệu. Có nghĩa là các
thành phần chủ chiến đang họ hỏi thêm nhiều – họ trở nên dầy dạn hơn
trong việc tấn công.”
Các sách lược gay gắt hơn của quân đội đi
ngược lại với sách lược của chính phủ trước là mưu tìm một giải pháp
chính trị cho vụ nổi dậy. Chính phủ đó lên nắm quyền trong một cuộc đảo
chính năm 2006 đã được thay thế hồi đầu năm nay sau cuộc bầu cử.
Tổ
chức Human Rights Watch nói rằng tổng tư lệnh quân đội Thái Lan đã cam
kết trừng phạt các quân nhân bị phát hiện vi phạm nhân quyền ở miền
nam. Tổ chức này cho biết đang có kế hoạch xác định các quân nhân này
và cung cấp danh tính cho quân đội.
Chỉ có khoảng 5% dân chúng
Thái Lan theo Hồi giáo. Phần lớn cộng đồng hồi giáo sinh sống ở miền
nam, một trong các vùng nghèo khó nhất nước. Cư dân miền nam lâu nay
vẫn phàn nàn về tình trạng phân biệt đối xử và bị chính phủ bỏ rơi.