Trung Quốc tái khẳng định lời hứa cho phép tự do báo chí

Chỉ còn một tháng là đến ngày khai mạc Thế vận hội, Trung Quốc tái khẳng định lời hứa để cho báo chí được hoàn toàn tự do và cho phép tự do truy cập Internet trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tranh tài thế vận. Những đảm bảo này được đưa ra ngay cả khi các nhà báo nước ngoài làm việc tại Bắc Kinh báo cáo là bị các giới chức Trung Quốc liên tục sách nhiễu và can thiệp. Phái viên Stephanie Ho của Đài VOA ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Trung Quốc vừa khánh thành các trung tâm báo chí mới, đây là những trung tâm lớn nhất từng được xây dựng cho bất kỳ Thế vận hội nào. Trung tâm Báo chí chính và Trung tâm phát thanh truyền hình quốc tế đã được thiết lập để phục vụ trên 21,000 ký giả trong và ngoài nứơc thực hiện các phóng sự về Thế vận hội. Một phát ngôn viên của Ủy ban tổ chức Thế vận hội Bắc kinh đã nói với các ký giả rằng Trung Quốc coi trọng các dịch vụ thông tin báo chí.

Phát ngôn viên này nói rằng Trung Quốc tôn trọng những cam kết của mình, theo nguyên văn lời ông, là ‘thực hiện tất cả các biện pháp để cung cấp mọi sự thuận tiện cho các ký giả.’

Tại buổi lễ khai mạc, ông Hein Verbruggen của Ủy ban Thế vận hội quốc tế đã khen ngợi BOCOG, tên gọi tắt của Ủy ban tổ chức thế vận hội Bắc kinh, và nói nhiều ký giả đến để làm phóng sự về Thế vận hội có khi không cần phải rời khỏi nơi diễn ra các cuộc tranh tài.

Ông Verbruggen nói: “Tôi muốn cảm ơn Ủy ban Thế vận hội Bắc kinh vì họ đã có những nỗ lực lớn để cung cấp các dịch vụ tuyệt hảo cho các nhà báo, như cung cấp gần như tất cả những thứ cần thiết cho báo chí, để nơi này trở thành như nhà của họ trong vài tuần lễ, từ nơi cắt tóc, phòng tập thể dục, nhà hàng, thậm chí cho tới một trung tâm xoa bóp.”

Các giới chức Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng 'các nhà báo là những người bạn của chúng ta', và lập lại những lời cam kết rằng trong thời gian diễn ra Thế vận hội, các ký giả được phép nói chuyện với bất cứ người nào mà họ muốn, nếu như người được phỏng vấn cho phép.Tuy nhiên, ông Johannes Hano, một phát thanh viên đài ZDF của Đức nói rằng kinh nghiệm của ông hồi tuần trứơc khác xa so với điều mà các giới chức Trung Quốc đã mô tả.

Ông Hano nói: “Chúng tôi bị các nhân viên bảo vệ chận lại hồi tuần trước ở Vạn lý trường thành, và chúng tôi đã có đầy đủ tất cả các giấy phép cần thiết. Họ chận chúng tôi lại. Chúng tôi đã có một buổi thao dợt trước và khi đó thì không ai can thiệp. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu quay và phát trực tiếp thì họ bắt chúng tôi ngưng, họ tiến tới máy quay phim, lấy tay che ống kính.”

Ông Hano nói rằng ông không quan tâm mấy đến các cơ sở vật chất để làm việc, nhưng ông quan tâm đến khả năng thực hiêän phóng sự một cách tự do. Ông nói ông lo ngại rằng, bất kể những lời hứa hẹn của Trung Quốc, tự do báo chí vẫn sẽ bị hạn chế một cách nghiêm trọng.Những quan ngại của ông Hano đã được Câu lạc bộ Báo chí nứơc ngoài Trung Quốc lập lại.

Câu lạc bộ này đã ghi nhận 259 trường hợp bị can thiệp khi làm phóng sự kể từ ngày 1 tháng giêng năm 2007. Đó là ngày các quy định mới và cởi mở hơn cho việc làm các phóng sự về thế vận hội bắt đầu có hiệu lực.