Giới chức TQ, Ðặc sứ của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma hội đàm tại Bắc Kinh

Các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, đang có mặt tại Bắc Kinh để dự các cuộc họp trong 2 ngày với các giới chức Trung Quốc. Các cuộc gặp gỡ diễn ra sau các cuộc đàm phán ngắn ngủi không chính thức giữa hai bên hồi tháng 5. Phái viên Stephanie Ho của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật gửi về từ thủ đô Trung Quốc.

Ông Tenzin Taklha là người phát ngôn của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông cho biết phái đoàn Tây Tạng với 5 thành viên dự trù họp với các giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày mai và ngày mốt.

Ông Taklha nói: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề là qua việc gặp gỡ trực diện và thảo luận về vấn đề. Và trong vòng đàm phán lần thứ 7 này, chúng tôi cảm thấy đây là một bước tích cực bởi vì nó cho phép phía chúng tôi gặp các đối tác Trung Quốc và giải thích quan điểm của chúng tôi về vấn đề.”

Một trong các vấn đề chính là tình trạng của Tây Tạngbên trong Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện đang sống ở Dharmsala bên Ấn Độ, là mưu tìm độc lập cho vùng đồi núi này. Nhà lãnh đạo Tây Tạng thì nói ông chỉ muốn nhân dân ông được tự trị nhiều hơn về mặt văn hóa và tôn giáo.

Ông Taklha kêu gọi phía Trung Quốc chứng tỏ sự thành tâm trong các cuộc đàm phán, và nói rằng nhiều người Tây Tạng coi cuộc gặp gỡ chỉ là một pha biểu diễn ngoại giao về phía chính phủ Trung Quốc.

Ông Taklha nói: “Tôi nghĩ rằng ngay lúc này chúng ta chưa nên vội nghi ngờ Trung Quốc. Trước tiên, hãy để cho cuộc họp diễn ra đã. Nhưng chúng ta hy vọng rằng phía Trung Quốc – nay đang có thiện chí nhìn vấn đề Tây Tạng một cách thực tế. Và họ phải nhận thức được là có một vấn đề bên trong Tây Tạng, với bằng cớ là các cuộc biểu tình mới đây hồi tháng 3.”

Đã xảy ra những vụ bạo động gây chết người tại thủ đô Lhasa của Tây Tạnghồi tháng ba, do những phần tử Tây Tạnggây ra nhắm vào các nạn nhân Trung Quốc. Trung Quốc coi các vụ bạo động này là một vấn đề thuần túy về công lực, trong khi người Tây Tạng mô tả sự cố là cực điểm của sự bất mãn của người Tây Tạngngày càng gia tăng dưới chế độ cai trị của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã trực tiếp quy lỗi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma là ‘chủ mưu’ các cuộc bạo động trong tháng 3. Phát ngôn viên Taklha gọi cáo buộc này là vô căn cứ.Lời cáo buộc vừa được tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc nhắc lại hồi gần đây. Ông này thề quyết dẹp tan cái được gọi là ‘bè lũ Đạt Lai Lạt Ma’ trong bài phát biểu tại lễ bế mạc chặng rước đuốc Thế vận ở Lhasa.

Các nhận định của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khơi ra lời khiển trách của Ủy ban Thế vận quốc tế hồi tuần trước. Ủy ban này tỏ ý tiếc về việc pha trộn thể thao với chính trị. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Lưu Kiến Siêu nói rằng Bắc Kinh vẫn chống đối bất cứ mọi hình thức chính trị hóa Thế vận hội.

Ông Lưu nói rằng chính phủ Trung Quốc đặc biệt chống đối các mưu đồ của những người lợi dụng Thế vận hội để can thiệp vào nội bộ Trung Quốc.Ông nói rằng các nhận định của giới chức Trung Quốc vừa kể không nhắm mục đích chính trị hóa Thế vận hội mà chỉ có ý ‘tạo lập một môi trường ổn định và hài hòa cho Thế vận hội,’ theo nguyên văn lời ông.

Trung Quốc sẽ chủ trì diễn biến thể thao quốc tế này vào tháng 8.