Lãnh đạo Châu Phi tìm cách đối phó với vụ khủng hoảng Zimbabwe

Các nhà lãnh đạo Phi Châu đang cố gắng đi tìm một cách đáp ứng chung để đối phó với tình trạng hỗn loạn chính trị ở Zimbabwe, vào lúc họ kết thúc cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày tại Ai Cập. Bản thông cáo chung quyết sẽ tránh không lên án việc tiến hành cuộc bầu cử, nhưng sẽ không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử đó. Từ địa điểm họp tại địa điểm nghỉ mát Sharm el Sheikh ở Hồng Hải, phái viên Peter Heinlein của đài VOA gửi về bài tường thuật trình bầy.

Sự hiện diện của ông Robert Mugabe đã bao trùm mọi diễn biến và các vấn đề khác tại cuộc họp hai năm một lần của các vị nguyên thủ Phi châu. Ông Mugabe đã được sự chú ý thuận lợi của nhiều nhà lãnh đạo, một sồ đã nắm quyền trong thời gian dài hơn 28 năm của ông Mugabe. Vị nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất của châu lục này là ông Omar Bongo của Gabon, đã ca ngợi ông Mugabe là một vị anh hùng khi ông đến dự lễ khai mạc hội nghị hoành tráng này tại trung tâm hội nghị bóng loáng nằm bên bờ biển.

Các phóng viên, nhiếp ảnh gia và các nhà ngoại giao đi lại trong các hành lang bất cứ nơi nào ông Mugabe đến, với hy vọng ghi được một lời phát biểu hay chụp một bức hình.Thế rồi, bỗng dưng ông xuất hiện, với những người hộ vệ bao quanh, chỉ cách một đám nhỏ các ký giả chừng một sải tay, và đợi, dường như muốn nói, ‘Có muốn hỏi tôi điều gì không.’

Một ký giả hỏi ông Mugabe ông được tiếp đón ra sao, thì ông trả lời là cuộc tiếp đón có tính cách Phi Châu, thế thôi. Và khi được hỏi ông được đối xử ra sao thì ông cười lớn. Sau đó thì xảy ra một cuộc xô lấn, khi các nhà báo và các nhiếp ảnh viên xúm xít lại, và nhân viên cận vệ của ông Mugabe đẩy mọi người ra.

“Ôi chao, Kìa là ông Mugabe. Đó là một cảnh tượng đám đông hỗn loạn. Cận vệ của ông đẩy mọi người ra mọi bên. Đám đông chen vai thích cánh, và ông được đưa vào một phòng hội nghị mà không tuyên bố gì nhiều.”

Đó là lời tường thuật tại chỗ của phái viên Heinlein của đài chúng tôi.Hội nghị thượng đỉnh lẽ ra dự trù bàn về những vấn nạn về nước sạch và vệ sinh cho lục địa Phi Châu, nhưng các phiên họp kín, những cuộc thảo luận sau hậu trường và những lời bàn tán ở hành lang đều tập trung chủ yếu vào việc tổ chức nên đáp ứng ra sao đối với sự thách thức nền dân chủ của ông Mugabe.

Các nguồn tin ngoại giao Phi châu cho hay một số quốc gia, dưới sự hướng dẫn của các nước Tây Phi như Liberia, Senegal, Sierra Leone và Ghana, đang vận động để đưa ra một tuyên bố chung quyết của hội nghị chứa lời lẽ mạnh bạo chỉ trích cách tiến hành cuộc bầu cử vòng nhì của Zimbabwe.

Nhưng những ý kiến đó đã vấp phải sự chống đối mãnh liệt của những người bạn và những người ái mộ mà ông Mugabe đã chiêu mộ được được trong sự nghiệp dài của ông, thoạt tien với tư cách lãnh tụ một phong trào đẩy lui sự cai trị của người da trắng và sau đó là một người đi tiên phong trong công cuộc cải cách ruộng đất.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Tây Phi yêu cầu không nêu danh tính nói rằng số phận của hội nghị này là sự bất động về một vấn đề mà mọi người đều quan tâm. Nhà ngoại giao này nói chung cuộc tổ chức bị bó tay vì, theo như lời ông nói, ‘Ai là người trong chúng ta có thể vạch mặt ông Mugabe? Chúng ta đều là những người có tội.’