Kết quả cuộc nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới được phổ biến hôm 27
tháng Sáu vừa rồi cho thấy công cuộc công nghiệp hóa đất nước đang
khiến môi trường sống tại Việt Nam phải trả một cái giá, và Việt Nam cần
phải dành thêm ngân quĩ để chống nạn ô nhiễm này.
Tin của
thông tấn xã AFP cho hay theo cuộc nghiên cứu vừa kể, trong khoảng thời
gian từ 1990 đến 2005, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ phát triển GDP 7,5%,
phần lớn nhờ lãnh vực công nghiệp, nhưng đã không làm gì nhiều để bảo
vệ môi sinh.
Cuộc nghiên cứu cho thấy ngày càng có áp lực đòi
chính phủ gia tăng công quĩ để kiểm soát nạn ô nhiễm và buộc giới kinh
doanh có những hành động tương tự. Theo cuộc nghiên cứu này, trước hiện
trạng nạn ô nhiễm gia tăng về khối lượng lẫn chất độc hại, chính phủ và
quần chúng rõ ràng ngày càng ý thức về những phí tổn cần thiết để chống
lại tình trạng này.
Ngân quĩ chống ô nhiễm đã được từ từ gia
tăng từ năm 2000 tới 2005, khi đạt tới con số 600 triệu đô la. Thế
nhưng Ngân Hàng Thế Giới cho rằng Việt Nam cần phải chi tiêu khoảng 2
tỷ 500 triệu đô la để giải quyết vấn đề một cách thích đáng.
5
tỉnh hoặc thành phố lớn – trong có thủ phủ tài chính Thành Phố Hồ Chí
Minh và thủ đô Hà Nội – là nơi tụ tập 63% công ăn việc làm của ngành
công nghiệp và gần 55% công ty công nghiệp trong nước.
Theo Ngân
Hàng Thế Giới, nạn ô nhiễm do ngành công nghiệp gây ra đã phần lớn tập
trung tại một số khu vực trong nước và phát xuất từ một vài ngành nghề.
Ngân Hàng Thế Giới cho rằng ngành sản xuất hóa chất và ngành sản xuất
giày dép là hai trong những ngành gây ra nạn ô nhiễm trầm trọng nhất
tại Việt Nam.