Một nhân vật Miến Điện hoạt động tích cực cho nhân quyền cho biết nhà
cầm quyền quân nhân nước này vẫn tiếp tục dùng hành động cưỡng hiếp như
một vũ khí để đàn áp các sắc tộc thiểu số. Bà kêu gọi các nước láng
giềng của Miến Điện tạo áp lực đối với chính quyền quân sự để chấm dứt
các vụ bạo hành tình dục đối với phụ nữ. Mời quí vị theo dõi thêm một
số chi tiết trong bài tường trình của thông tín viên đài VOA Claudia
Blume gởi về từ Hongkong.
Bà Cheery Zahau, một người thuộc sắc
dân Chin tại Miến Điện, cho biết binh lính bước này hãm hiếp các phụ nữ
ở những khu vực người thiểu số trên khắp nước. Bà nói rằng chỉ riêng
tại bang Chin ở miền tây không thôi cũng có ít nhất 38 trường hợp binh
sĩ cưỡng hiếp các phụ nữ trong năm 2006. Nạn nhân trẻ nhất mới 12 tuổi.
Bà
Zahau là một nhà hoạt động nhân quyền hiện nay sống tại Ấn Độ. Hôm thứ
sáu, bà nói chuyện với các phóng viên báo chí tại Hongkong. Bà cho biết
các tổ chức phụ nữ tại Miến Điện đã thu thập được hồ sơ của trên 1 ngàn
800 vụ phụ nữ bị binh sĩ cưỡng hiếp tính từ năm 1995.
Bà Zahau nói rằng chính phủ Miến Điện sử dụng hành động cưỡng hiếp như một vũ khí chống lại những người phản đối họ.
Bà
Zahau nói: "Binh sĩ hãm hiếp phụ nữ để trừng phạt những người dân mà họ
nghi là ủng hộ các nhóm nổi dậy. Họ cũng cưỡng hiếp phụ nữ để gây xáo
trộn trong các sinh hoạt về tín ngưỡng và tâm lý của các phụ nữ sắc tộc
thiểu số. Thí dụ trong năm 2003 một phụ nữ bị 4 binh sĩ cưỡng hiếp khi
bà đang trên đường từ chợ về nhà và cho đến nay bà này vẫn bị rối lọan
về tâm thần."
Bà Zahau cho biết phần lớn nạn nhân đã quá sợ hãi
không dám lên tiếng, mà cho dù họ có lên tiếng tố cáo, thì theo bà
Zahau, các thủ phạm cũng không bị trừng phạt.
Nhà cầm quyền Miến Điện đã bác bỏ những tin tức nói rằng họ sử dụng hành động cưỡng hiếp như một công cụ.
Năm
ngoái, Hội đồng bảo an LHQ đã xem xét việc ra một nghị quyết kêu gọi
Miến Điện chấm dứt các vụ vi phạm nhân quyền, trong đó có hành động
cưỡng hiếp một cách có hệ thống. Nhưng hai thành viên thường trực trong
Hội đồng bảo an là Trung Quốc và Nga đã dùng quyền phủ quyết của họ để
ngăn cản nghị quyết vừa kể.
Ông Bruce Voorhis, phát ngôn viên
của Ủy ban Nhân quyến Á châu, cho biết không có nước nào khác có ảnh
hưởng đối với Miến Điện mạnh hơn là Trung Quốc.
Ông Voorhis nói:
"Khi không chịu có hành động gì cả thì chính phủ Trung Quốc đã dung
đưỡng cho hành động cưỡng bức phụ nữ của binh sĩ Miến Điện. Chúng tôi
kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy hành động để chấm dứt tình trạng này."
Bà
Zahau nói rằng các quốc gia láng giềng của Miến Điện, như Ấn Độ và
Thái Lan cũng cần tạo áp lực đối với các nhà lãnh đạo Miến Điện. Theo
bà thì việc các nước này lên tiếng là có lợi cho họ vì bạo động tình
dục là một trong những yếu tố khiến cho nhiều phụ nữ Miến Điện trở
thành người tị nạn tại các nước lân cận.
Chính phủ nhiều nước,
trong đó có Hoa Kỳ và Liên hệp Châu Âu, đã thi hành các biện pháp trừng
phạt đối với Miến Điện vì nước này đàn áp những người bất đồng chính
kiến và vi phạm nhân quyền. Nhà cầm quyền quân sự Miến Điện cho biết họ
sẽ cho phép tổ chức bầu cử vào năm 2010, nhưng nói rằng họ vẫn giữ vai
trò chính trong chính phủ để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.