Chính phủ Ấn Độ đang chật vật xây dựng hậu thuẫn chính trị cho một hiệp
định với Hoa kỳ về năng lượng hạt nhân có tính cách lịch sử và gây
nhiều tranh cãi. Nhưng các liên minh cộng sản đã cảnh báo họ sẽ lật đổ
chính phủ do Quốc hội lãnh đạo, nếu chính phủ này xúc tiến hiệp định
hạt nhân. Từ New Delhi, phái viên đài VOA Anjana Pasricha ghi nhận về các nỗ
lực đang được thực hiện để giải quyết tình trạng bế tắc này trong bài
tường thuật sau đây.
Vụ tranh cãi chính trị đe dọa đến chính phủ
do Quốc hội lãnh đạo bắt đầu sau khi thủ tướng Manmohan Singh tuyên bố
ông muốn thúc đẩy một hiệp định hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ ngõ hầu có
thể được sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ trước khi tổng thống Bush rời
chức vào tháng giêng sang năm. Các đồng minh cộng sản của ông Singh lập
tức cảnh báo họ sẽ rút lại sự ủng hộ nếu chính phủ xúc tiến hiệp định.
Thỏa
thuận về hạt nhân đạt được vào năm 2006, cho phép Ấn Độ tiếp cận với kỹ
thuật hạt nhân dân sự, mặc dầu Ấn Độ chưa ký hiệp ước cầm phổ biến hạt
nhân. Nhưng thỏa thuận đã bị tạm ngưng bởi vì các đảng tả khuynh,
thường cực lực phản đối hiệp định, chưa cho phép chính phủ yêu cầu
những sự chấp thuận cần thiết để có thể thực thi hiệp định.
Phe
này cho rằng hiệp định sẽ xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược với
Hoa Kỳ và gây phương hại đến chính sách đối ngoại độc lập của Ấn
Độ.Chính phủ và phe tả khuynh dự trù họp vào ngày mai để xem có thể
giải quyết tình trạng bế tắc này hay không.
Phân tích gia chính
trị độc lập, ông Mahesh Rangarajan, cho rằng cuộc họp sẽ rất quan
trọng, và có thể mang ý nghĩa kết thúc cho cả hai bên.
Ông
Rangarajan nói: “Cả hai bên đều có vẻ kiên quyết. Chủ trương tả phái
không thay đổi, và trong vài tuần qua, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội
đã tỏ ý cho thấy chính phủ rất mong muốn xúc tiến các giai đoạn chót
của hiệp định hạt nhân, vì thế mà trừ phi một trong hai bên chịu nhượng
bộ, thì ta có thể thấy một sự phân ly.”
Giới phân tích nói rằng
chính phủ nay đứng trước một lựa chọn rõ ràng. Hoặc là xúc tiến hiệp
định hạt nhân và chấp nhận rủi ro phải tổ chức tổng tuyển cử sớm, hoặc
là gần như dẹp qua một bên hiệp định mà chính phủ đã mô tả là một kế
hoạch quan trọng.
Người đứng đầu đảng Quốc Đại, bà Sonia Gandhi,
đã mở nhiều vòng họp với các đồng minh khác trong chính phủ liên hiệp
trong cố gắng tập hợp hậu thuẫn cho hiệp định hạt nhân. Đa số các đồng
minh chính trị cho biết họ ủng hộ hiệp định hạt nhân, nhưng không muốn
phải tổ chức bầu cử vào một thời điểm mà tỷ lệ lạm phát lên đến gần 11%.
Trong
khi đó, Washington đã cảnh báo rằng sắp hết thời hạn cho hiệp định, còn
cần được sự chấp thuận của các tổ chức như Cơ quan Nguyên tử năng Quốc
tế, trước khi có thể đưa ra trước Thượng viện Hoa Kỳ.