Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên có phần chắc sẽ được đảng Cộng
hòa đề cử ra tranh ghế tổng thống, nói rằng ông là người 'lý tưởng rất
thực tế' về lập trường và mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Hoa
Kỳ. Theo các chuyên gia thì quá trình trong quân ngũ và kinh nghiệm của
một tù binh trong thời chiến tranh Việt Nam khiến cho ông sẽ dồn nỗ lực
vào việc bảo vệ nước Mỹ trước các kẻ thù. Từ Washington, phóng viên đài VOA Cindy Saine có bài tường trình sau đây.
Thượng nghị sĩ John
McCain nói rằng quá trình phục vụ trong quân ngũ, và là người đã từng
bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam, cộng thêm với các
kinh nghiệm khác nữa đã khiến ông trở thành một người 'lý tưởng một
cách thực tế' về chính sách đối ngoại. Ông McCain nói rỏ trong bài diễn
văn về chính sách đối ngoại đọc tại thành phố Los Angeles, bang
California hồi tháng Ba, rằng điều ông chú tâm tới nhất là an ninh quốc
gia. Sau đây là lời Thượng nghị sĩ McCain.
Ông McCain nói:
"Tôi biết chúng ta phải làm việc cật lực và phải có tinh thần rất sáng
tạo để xây dựng những nền tảng mới cho một nền hòa bình bền vững lâu
dài. Chúng ta không thể mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn là thực tế.
Chúng ta có những kẻ thù mà với các kẻ thù này không có hình thức tấn
công nào mà họ xem là quá độc ác, và không có đời sống của thường dân
vô tội nào là an toàn, và nếu có thể họ sẽ tấn công chúng ta bằng những
võ khí khủng khiếp nhất thế giới."
Ông McCain nói rằng thắng lợi
trong chiến Iraq là trọng điểm của cuộc chiến chống khủng bố. Ông hoàn
toàn không đồng ý với đối thủ đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Barack
Obama, người đã hứa sẽ bắt đầu rút binh sĩ tác chiến của Hoa Kỳ ra khỏi
Iraq nếu đắc cử tổng thống. Ông McCain cũng nói rằng cần phải ngăn chận
Iran thủ đắc võ khí hạt nhân.
Theo ông Peter Beinart, một
chuyên gia về chính sách đối ngoại thuộc Hội đồng Quan hệ Nước Ngoài,
thì quá trình phục vụ trong quân ngũ của ông McCain khiến ông dựa vào
sức mạnh của quân đội.
Ông Beinart nói: "Theo tôi, ông John
McCain là người theo truyền thống, một truyền thống bảo thủ, khiến ông
nhìn sự việc thế giới cơ bản là xung đột chứ không phải là hợp tác và
lẽ tự nhiên là ông sẽ tập trung nhiều hơn vào các mối đe dọa quân sự
tiềm ẩn và chú trọng ít hơn vào các vấn đề khác."
Ông McCain,
người thường đến thăm Iraq, nói rằng ông biết sự khủng khiếp của chiến
tranh hơn rất nhiều người, và theo ông chỉ có một người ngu ngốc, hay
một người gian trá mới ưa thích chiến tranh.
Trong chiến dịch
vận động, ông Obama thường xác quyết rằng chung cuộc, chuyện tranh cử
của ông McCaine chẳng khác gì hơn là một cố gắng nối dài thêm một nhiệm
kỳ thứ ba của Tổng thống Bush. Ông McCain bác bỏ ý kiến này.
Ông
McCain nói: "Tôi không tranh cử để nối tiếp nhiệm kỳ của Tổng thống
Bush. Tôi đang tranh cử để bản thân tôi phục vụ cho đất nước."
Bà
Helle Dale, một chuyên gia Mỹ về chính sách đối ngoại thuộc tổ chức
Heritage Foundation, nói rằng mặc dù ông McCain có cùng chung quan điểm
với Tổng thống Bush về một số vấn đề ưu tiên quan trọng, người ta khó
mà có thể xác định lập trường về ý thức hệ của ông.
Bà Dale
nói: "Thành thật mà nói, tôi cho rằng hơi khó để xếp ông vào mẫu người
bảo thủ hay cấp tiến, vì trên một số lãnh vực ông không bảo thủ chút
nào. Tôi nghĩ rằng quí vị nên xét đến tứng vấn đề một. Nếu quí vị xét
đến những gì mà ông cổ võ cho vấn đề Iraq, Afghanistan ha vấn đề phát
huy dân chủ trên thế giới, những vấn đề mà ông đã đề cập đến thì sẽ
thấy quan điểm của ông có lẽ gần gũi hơn với những người tân bảo thủ
hơn. Tuy nhiên, bước sang vấn đề chẳng hạn như vấn đề khí hậu thay đổi,
vấn đề hợp tác với Liên hiệp Châu Âu và các tổ chức đa phương khác, thì
chắc chắn sẽ thấy lập trường của ông không bảo thủ chút nào."
Bà
Dale nói rằng ông McCain đã gây ra tranh cãi trong chính đảng Cộng hòa
của ông về một số lập trường của ông và ông thích thú với vai trò của
một nhà chính trị độc lập.
Nhiều đảng viên của cả hai đảng nói
rằng họ kính trọng ông McCain về sự phục vụ trong quân đội của ông, về
sự cứng rắn về cả thể chất lẫn tinh thần của ông và về cá tính mạnh mẽ
của ông. Trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, ông McCain có phần chắc sẽ
nhấn mạnh để các ưu điểm này và sẽ luôn nhắc nhở cử tri về mấy chục năm
phục vụ quân đội của ông và về kinh nghiệm của ông trong chính sách đối
ngoại.