Trong những ngày qua, dư luận trong và ngoài nước quan tâm nhiều nhất đến vấn đề tiền tệ và thị trường tài chính Việt Nam. Giới đầu tư trong nước và quốc tế lo lắng khi chỉ số tiêu biểu VN-Index liên tục sụt giảm, trong khi người tiêu dùng càng lúc càng quan ngại vì giá cả mọi thứ đều tăng. Trong Câu chuyện Việt Nam tuần này, Lê Dân của đài VOA trình bày một số mặt xoay quanh những việc đó, với một số nhận định của các chuyên gia và người trong cuộc.
Thời gian gần đây, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã công bố những báo cáo đưa ra các nhận định không mấy lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam. Thứ Tư tuần trước, tổ hợp tư vấn đầu tư và tài chính Moody's lượng định triển vọng của Việt Nam từ 'tích cực', xuống 'tiêu cực'. Đây là lần đánh sụt hạng thứ nhì trong vòng một tuần lễ, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với nạn lạm phát cao tới 25%, một khoản thâm hụt thương mại nghiêm trọng và áp lực nặng nề trên cán cân chi phó.
Một tuần trước đó, tổ hợp định giá quốc tế Fitch Ratings cũng đánh sụt hạng Việt Nam từ 'ổn định', xuống thành 'tiêu cực'. Tổ hợp Standard & Poor's cũng không có nhận xét nào khả quan hơn. Tại thị trường tài chính Hồng Kông, đồng tiền Việt Nam được công khai dự đoán sẽ sụt giá ở mức từ 20 đến 40%. Và đã có thêm nhiều nhà phân tích kinh tế tin là Việt Nam sắp cần đến chương trình hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Về việc đồng bạc Việt Nam mất giá, nhà quan sát và phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét.
Ông Nghĩa nói: "Nói một cách dễ hiểu thì tính bình quân, lạm phát tại Việt Nam mỗi tháng vào khoảng 3%, như vừa rồi người ta nói 25,2% là tính từ tháng Năm năm ngoái chẳng hạn. Thế nhưng trong thực tế thì lạm phát ngày càng tăng. Nếu cứ như thế thì trong toàn năm 2008 lạm phát sẽ từ 35% đến 40%, tức là đồng bạc Việt Nam sẽ bị mất giá từ 35% đến 40%. Đây là điều không ai muốn cả, nhưng có thể sẽ xảy ra. Trong trường hợp đó, đối chiếu giá trị đồng bạc Việt Nam với những ngoại tệ khác, đặc biệt với Mỹ kim, là ngoại tệ chính mà Việt Nam ràng giá đồng bạc Việt Nam, nếu có mất giá đến 30% thì cũng không đáng ngạc nhiên."
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với đại diện tập đoàn JP Morgan Chase về những vấn đề liên quan tới ổn định kinh tế vĩ mô hôm mùng 5 tháng Sáu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng Việt Nam không có kế hoạch và cũng không thấy có lý do gì để hạ giá đồng nội tệ. Dù vậy, ông nhìn nhận rằng nạn lạm phát đang ở mức quá cao và Chính phủ cam kết sẽ làm mọi cách để giảm tỷ lệ này còn một con số vào năm 2010, và có thể là sớm hơn.
Trên thực tế, vào lúc đồng đôla Mỹ liên tục xuống giá trên thị trường thế giới, tin các báo trong nước đều nói là chỉ tháng trước ở Việt Nam không ai muốn mua vào hay dùng để tiết kiệm, chi trả, thì mới đây đồng đôla lại lên giá. Mọi người đổ xô nhau đi lùng mua đồng đôla Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên là phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giải thích với tiến sĩ David Fernandez, kinh tế trưởng tập đoàn JP Morgan Chase, rằng chuyện tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do vượt xa biên độ chính thức không phải do mất cân đối cung cầu ngoại tệ trong cán cân thanh toán tổng thể, mà là do đồn đại, đầu cơ, và một phần là do hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại.
Về chuyện đồng bạc mất giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự trữ ngoại tệ Việt Nam hiện vào khoảng trên 20 tỷ đôla. Chính phủ sẽ công bố cụ thể mức dự trữ ngoại tệ nhằm củng cố lòng tin của dân, thay vì chỉ cấp thông tin này với các tổ chức quốc tế như trước. Đồng thời Việt Nam sẽ cho tăng lãi suất tiền gửi bằng đồng bạc Việt Nam để tăng mức hấp dẫn, phục hồi niềm tin của người dân và giới đầu tư. Về các nỗ lực đó, nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét.
Ông Nghĩa nói: "Nhưng tôi nghĩ là niềm tin của người ta khó được phục hồi. Nếu mà làm quá ít, hay quá trễ, hoặc gây ra quá nhiều mâu thuẫn trong ngần ấy những biện pháp ấy với nhau. Vì vậy mà tôi cho là vẫn chưa thuyết phục nổi giới đầu tư."
Giải thích ra sao thì vật giá cũng không thể nào trở lại mức cũ. Rõ ràng là tình hình khó khăn chung toàn thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Đã có nhiều vụ biểu tình, đình công trên mọi lục địa, từ Á sang Âu. Tại Việt Nam cũng có nhiều vụ đình công quy tụ hàng ngàn công nhân, chủ yếu vẫn là vì vấn đề lương cố định không theo nổi vật giá. Giáo sư Tạ văn Tài của viện đại học Boston Hoa Kỳ, một người thường quan tâm đến các hoạt động đầu tư nước ngoài, đưa giải pháp mà giới chủ nhân cần áp dụng.
Giáo sư Tài nói: "Chủ nhân, dù rằng tư doanh hay quốc doanh, cũng phải có nhiệm vụ gọi là trách nhiệm xã hội vì lý do nhân đạo, phải cho công nhân có đủ sống thì họ mới an tâm làm việc. Chính ông cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt có nói là phúc lợi của người nghèo ở nước tư bản còn cao đến nỗi các nhà lý luận Mácxít ở Việt Nam nên tham khảo. Vậy thì, tăng lương ở Việt Nam là điều nên làm."
Thế nhưng trong cảnh khó chung, những giới có đồng lương cố định như công nhân, viên chức, giáo chức…cảm thấy khó khăn hơn những đồng nghiệp của họ ở nước khác. Lý do là ở nước ngoài chỉ chịu nạn xăng dầu, lương thực lên giá. Còn ở Việt Nam họ phải chịu hai mặt, vật giá vừa tăng, mà đồng thời đồng tiền lại mất giá.
Cô Trang, một công nhân viên doanh nghiệp nước ngoài tại Sàigòn cho biết: "Hồi đó lãnh lương ra còn có giá trị, bây giờ lãnh ra không có thấm thía vô đâu hết. Người ta sao, mình vậy."
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung trên toàn cầu, nhà phân tích kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa khuyến cáo những người có đồng lương cố định phải nỗ lực hơn để tiết kiệm và kiếm thêm thu nhập.
Ông Nghĩa nói: "Ðầu tiên, chúng ta gặp một kịch bản bi quan nhất, là chuyện không ai muốn cả. Bây giờ chỉ có một cách là thắt lưng buộc bụng, đồng thời tìm những cơ hội sản xuất, những cơ hội có lợi tức khác."
Trên bình diện khác, các chỉ số thị trường chứng khoán sụt giảm không ngừng, xuống mức thấp nhất kể từ hai năm qua, và chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã mất gần 60%. Từ trên 1,000 điểm, chỉ số VN-Index hiện nay chỉ còn dưới 400 điểm và còn tụt dốc.
Hiện tượng này đã được một số nhà quan sát và phân tích kinh tế dự báo từ năm ngoái, khi chỉ số VN-Index đang từ 1,400 điểm khởi sự đà tụt xuống cho tới nay, dù rằng cũng có những lời tiên đoán là chỉ số sẽ ngưng ở ngưỡng 1,000, rồi 900, rồi 800…..và sẽ lên trở lại.
Đã có những quan ngại xuất hiện tại Việt Nam rằng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể chảy chậm lại, hay xấu hơn, là chảy ngược ra ngoài, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán liên tục suy trầm.
Những nhận xét đó cũng được một chuyên gia tài chính quốc tế củng cố thêm. Ông Tom Byrne, phó chủ tịch Bộ phận Đầu tư Moody's Investor, cho biết thế tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Việt Nam bây giờ là làm sao giảm tốc đà tăng trưởng kinh tế, mà không làm đất nước rơi vào suy trầm kinh tế, hoặc làm phương hại môi trường đầu tư nước ngoài.