Mối liên hệ giữa thiên tai và chính trị ở Châu Á

Hôm 2/5, bão Nargis đã tàn phá vùng châu thổ sông Irrawaddy của Miến Điện, khiến hơn 134,00 người chết hoặc mất tích. Mười ngày sau đó, một trận động đất dữ dội xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, gây tử vong cho ít nhất 69,000 người và khiến cho nhiều triệu người bị mất nhà cửa. Giới hữu trách Bắc kinh đã có thái độ cởi mở - nhanh chóng ra sức ứng phó với thiên tai và cho phép giới truyền thông quốc nội và quốc tế được tường thuật rộng rãi. Trong khi đó, tập đoàn quân nhân Miến Điện đã khiến cho nhiều người trong nước và cộng đồng quốc tế bất bình vì chẳng những đã không giúp đỡ gì nhiều cho dân chúng mà họ còn ngăn chận những nỗ lực cứu trợ của nhiều nước trên thế giới. Mời quí vị theo dõi Duy Ái trình bày một số chi tiết về tác động chính trị của hai thiên tai vừa kể, dựa theo tường thuật của thông tín viên Gary Thomas của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Những cơn gió của trận bão đã tan biến và những cơn hậu chấn giờ đây đã giảm dần, nhưng theo các nhà phân tích, hai thiên tai ở Miến Điện và Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng lâu dài về mặt chính trị.

Giáo sư Richard Olson của Đại học Quốc tế Florida là người đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về các mối liên hệ giữa thiên tai và chính trị. Ông cho biết rằng tính chính thống hay tính hợp pháp của một chính phủ -- đối với người dân trong nước và đối với cộng đồng quốc tế, có thể tùy thuộc vào cách ứng phó của họ trước thiên tai.

Giáo sư Olson nói: "Thiên tai tạo ra những vấn đề chính trị cho tất cả mọi chính quyền. Lý do là vì, cho dù là công bằng hay không công bằng, thì những nạn nhân và những người quan tâm tới các nạn nhân đều trông đợi nhà cầm quyền đứng ra lãnh đạo công tác ứng phó, điều hợp các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ; và nói chung là họ trông đợi chính phủ hành động như một thực thể có tinh thần trách nhiệm để giúp đỡ cho những người bị nạn. Đây là một trong những chức năng nguyên thủy của nhà nước."

Trước đây, chính phủ Trung Quốc vẫn xem những tin tức về thiên tai trong nước là bí mật quốc gia. Nhưng trong trận động đất này họ đã nhanh chóng tiến hành công tác cứu hộ và cứu trợ; và đồng thời, họ cũng cho phép các nhà báo trong nước và ngoài nước được tới nơi lâm nạn và tự do tường thuật.

Trái ngược hoàn toàn với thái độ của Trung Quốc, Miến Điện đã ngăn cấm không cho hầu hết các nhà báo và nhân viên cứu trợ quốc tế được tới vùng lâm nạn, và chỉ tiếp nhận một số lượng rất nhỏ những khoản viện trợ mà nhiều nước trên thế giới đã đề nghị cung cấp. Hầu hết những phẩm vật cứu trợ được chở từ nước ngoài tới Miến Điện đã bị chính quyền tịch thu và các giới chức chính phủ nhất mực đòi tự mình đứng ra phân phát hàng cứu trợ.

Đối với hai cách hành xử tương phản này, một chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation ở Washington, ông Robert Hunter cho biết như sau.

Ông Hunter nói: "Chính phủ Trung Quốc đã ứng phó một cách sốt sắng, nhanh chóng - họ đã làm được rất nhiều chuyện và thậm chí còn hoan nghênh sự trợ giúp từ bên ngoài. Điều này khác xa những gì mà Trung Quốc vẫn thường làm trước kia, dưới thời Mao Trạch Đông. Trong khi đó, chính phủ Miến Điện thì ngược lại. Họ đã cho mọi người thấy rằng họ không hề quan tâm gì tới người dân của họ."

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã giành được một số 'điểm tốt' về mặt chính trị nhờ vào cách ứng phó với thiên tai mới đây. Các nhà quan sát nói rằng Bắc kinh vốn đã bị dư luận chỉ trích về cách xử lý những vụ biểu tình ở Tây Tạng hồi tháng 3, và vì thế, họ không muốn hình ảnh của Trung Quốc có thêm một vết nhơ trong lúc Olympic Bắc kinh sắp khai mạc vào đầu tháng 8.

Mặc dù vậy, những tin tức hồi gần đây cho thấy rằng Bắc kinh đang kiềm chế những hoạt động thông tin về động đất qua việc không cho loan tải những tin tức về những vấn đề nhạy cảm như nạn tham nhũng và những trường học bị sập vì xây dựng cẩu thả.

Ông Robert Hunter, cựu Đại sứ Mỹ tại liên minh Nato, cho biết: trong lúc Trung Quốc còn tỏ ra e dè trước dư luận thế giới, chính phủ Miến Điện dường như không lý gì tới phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Ông Hunter nói: "Đây là một xã hội chưa từng chủ động giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ có một quá khứ thuộc địa mà dường như họ chưa thể rũ bỏ. Và có một sự kiện rất đặc biệt mà tôi nghĩ rằng không những có tính chất bi kịch mà còn có tính chất tội phạm - đó là giới lãnh đạo quan tâm tới quyền lợi của mình hơn là quan tâm tới vấn đề thuần túy nhân đạo - tới đời sống của những người dân khốn khó ở trong nước."

Giáo sư chính trị học của Đại học Quốc tế Florida, ông Richard Olson cho biết sự ngần ngại lúc ban đầu của hầu hết các chính phủ đối với đề nghị trợ giúp của nước ngoài đều nhanh chóng tan biến một khi họ nhận ra rằng họ không thể tự mình ứng phó với thảm họa. Ông Olson giải thích thêm như sau.

Ông Olson nói: "Thông thường thì ý nghĩ lúc đầu của họ là 'Chúng ta có thể làm tốt công tác này. Chúng ta có thể được ghi công và được công chúng cho điểm tốt vì đã đối phó với thảm họa một cách hữu hiệu'. Rồi 2 hoặc 3 ngày sau đó, họ nhận ra rằng họ không đủ năng lực để làm như vậy. Và lúc đó thì những điều tiêu cực bắt đầu xuất hiện, vì người dân có nhiều kỳ vọng mà biểu hiện của chính phủ lại không khả quan. Và vì thế mà chính phủ bắt đầu mất điểm đối với công chúng."

Theo nhận xét của cựu Đại sứ Hunter, các nước sẵn sàng ra tay giúp đỡ và cứu trợ vì lòng tốt; và nhờ vào việc này mà giành được cảm tình của dân chúng - như trường hợp Hoa Kỳ giúp đỡ cho nạn nhân động đất ở Pakistan năm 2005.

Ông Hunter nói: "Theo tôi thì hồi nào đến giờ chúng ta vẫn biết rõ là những ai làm điều thiện sẽ được đền đáp xứng đáng - những chính phủ có những hành động bày tỏ lòng trắc ẩn sẽ nhờ đó mà có được lợi ích về chính trị. Tôi vui mừng mà nói rằng ở nước Mỹ, chúng ta có những chính phủ hầu như lúc nào cũng bày tỏ sự trắc ẩn, và nhờ vậy mà thường có được cảm tình của dư luận thế giới."

Giáo sư Richard Olson cho rằng những chính phủ không nhanh nhẹn trong việc ứng phó với thiên tai có thể gặp phải thiệt hại về mặt chính trị vì các đảng phái hoặc đoàn thể đối lập sẽ nhân cơ hội này để ra tay giúp đỡ người dân.

Ông Olson nói: "Có rất nhiều thí dụ cho thấy các đảng chính trị hoặc các phong trào đã 'lợi dụng' - chữ lợi dụng này thật ra không thỏa đáng lắm, nhưng quả là có một cơ hội để những người này chứng tỏ là họ có khả năng, làm việc có hiệu quả, có lòng yêu thương đồng bào; và trong một cung cách nào đó, họ sẽ cạnh tranh với chính phủ bằng cách mang lại sự trợ giúp có ý nghĩa cho khu vực lâm nạn."

Việc chính quyền quân nhân Miến Điện không để cho phần lớn phẩm vật cứu trợ và chuyên gia cứu trợ được tới khu vực bị bão lụt đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc Liên hiệp quốc hoặc các nước khác có nên can thiệp để ngăn chận khủng hoảng nhân đạo hay không trong trường hợp chính phủ sở tại không hành động hoặc không thể hành động.

Nhà phân tích Robert Hunter của tổ chức Rand Corporation cho rằng có những trường hợp mà nỗi khổ của người dân cần được coi trọng hơn chủ quyền quốc gia.

Ông Hunter nói: "Những luật lệ, qui định cũ sẽ không thể áp dụng được trong trường hợp hàng ngũ lãnh đạo khăng khăng đòi đặt những quyền lợi cục bộ, những điều mà tin là quyền lợi riêng, lên trên những nhu cầu cơ bản nhất của sự sinh tồn của con người và phẩm giá của con người."

Tuy nhiên, vấn đề can thiệp vì lý do nhân đạo là một vấn đề rất nhạy cảm. Mặc dù hành động can thiệp có thể có động cơ cao thượng là cứu nguy cho sinh mạng của thường dân, nhưng các nhà phân tích cho rằng nhiều chính phủ, đặc biệt là những chính phủ độc tài, xem những biện pháp như vậy là một hành vi can thiệp không thỏa đáng vào công việc nội bộ của họ.