Kỷ niệm 60 năm sự kiện 'Cầu Không vận Berlin'

Tháng 6 năm nay đánh dấu 60 năm sự kiện Cầu Không vận Berlin, một nỗ lực phi thường kéo dài 11 tháng của ba nước đồng minh: Mỹ, Anh và Pháp, nhằm chống lại kế hoạch của Liên Bang Xô Viết muốn phong tỏa Berlin, thủ đô cũ của Đức Quốc Xã. Ba nước đồng minh đã dùng cầu hàng không này để tiếp tế lương thực-thực phẩm, than đá và các loại nhu yếu phẩm khác cho trên 2 triệu cư dân của thành phố. Cầu Không vận Berlin đã giúp ngăn được một thảm họa nhân đạo, và đã giúp nuôi sống những hy vọng trong một thành phố mà đã bị phe đồng minh dội bom phá hủy hầu như hoàn toàn. Thông tín viên Adam Philips của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA có bài tường trình sau đây.

Tháng 5 năm 1945, Berlin chỉ còn là đống tro tàn gạch vụn. Đức Quốc Xã đã đầu hàng quân đội Đồng minh vô điều kiện. Các lực lượng chiến thắng gồm Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đã phân nước Đức ra thành 4 vùng và chia nhau kiểm soát. Chính các cường quốc này cũng phân chia Berlin, thành phố nằm lọt bên trong khu vực do Liên Xô kiểm soát, thành 4 khu vực. Nhiệm vụ của các lực lượng chiếm đóng Berlin thật không dễ chút nào khi tiếp quản một thành phố bị chiến tranh tàn phá như vậy. Ông Andrei Cherny, tác giả của cuốn 'Những Chiếc Phi Cơ Thả Kẹo: Câu Chuyện Chưa Kể về Cầu Không vận Berlin và Giờ Khắc đẹp nhất của nước Mỹ', nói như sau:

Ông Cherny nói: "Người dân Thành phố Berlin thực sự chỉ thoi thóp sống cầm hơi; khẩu phần thực phẩm thấp hơn xa so với mức mà Liên Hiệp Quốc định nghĩa là cần thiết để khỏi chết đói. Chỉ còn khoảng 1/4 nhà cửa trong thành phố được xem như là nơi mà người ta còn có thể trú thân được. Từng bầy chó sói lang thang khắp đường phố Berlin."

Lực lượng đồng minh bắt đầu vận chuyển lương thực – thực phẩm, than đá và các loại nhu yếu phẩm đến Berlin bằng xe tải, xe lửa va tàu bè. Trong thời gian đó nạn đói và tội phạm đầy rẫy; và các nền dân chủ phương tây hình như bắt đầu yếu thế trong cuộc đối đầu với chủ thuyết chống cộng sản. Kết quả một cuộc thăm dò vào năm 1947 cho thấy 70% cư dân Berlin nói rằng họ thích kinh tế ổn định hơn là dân chủ và tự do. Trong thời gian đó Liên Xô đang bảo trợ cho phong trào cách mạng Cộng sản ở đông âu. Đến năm 1948, các nước Hungary, Romania, Ba Lan và Tiệp Khắc đã rơi vào sự thống trị của Liên Xô và nước Đức đương nhiên coi như là quốc gia kế tiếp cũng sẽ bị khối cộng sản thôn tính. Stalin muốn các nước đồng minh phải rút khỏi Berlin.

Ngày 25 tháng 6 năm 1948, viện cớ các khó khăn kỹ thuật, Liên Xô đã phong tỏa toàn bộ các tuyến đường bộ, đường hỏa xa và đường thủy từ phương Tây vào thành phố Berlin. Tác giả Andre Cherny nói rằng phe Đồng minh nhận thức được tiềm năng xảy ra giao tranh quân sự với các lực lượng của Liên Xô, và họ biết là sẽ có rất ít chọn lựa trong việc đối phó với việc Liên Xô phong tỏa thành phố Berlin.

Ông Cherny nói: "Một quyết định được đưa ra là bắt đầu không vận một lượng nhỏ lương thực đến cho Berlin. Lúc đó chúng tôi chỉ có được một ít máy bay, mỗi chiếc chỉ nhỏ bằng cỡ chiếc xe buýt đưa rước học sinh."

Nhưng chỉ trong vòng vài tháng công tác vận chuyển tiếp liệu ở mức nhỏ giọt ban đầu đã tăng thành một làn sóng không vận ồ ạt từ mức 90 tấn hàng hóa một ngày vào lúc đầu và sau đó tăng đến mức 5,000 tấn mỗi ngày. Vào lúc chiến dịch không vận diễn ra, bà Helga Johnson còn là một cô bé 12 tuổi đang bị đói.

Bà Johnson kể lại: "Trường học của chúng tôi bỗng nhiên được tiếp tế thức ăn. Và tất cả mọi món ăn đều màu vàng, từ các ổ bánh mì tròn và dài đều màu vàng, bánh pútđinh cũng màu vàng. Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao mọi món ăn đều màu vàng. Nguyên nhân là do chúng được làm từ bột bắp, nhưng lúc đó chúng tôi không biết được điều đó. Các món ăn lúc đó ngon tuyệt. Và cũng bỗng nhiên chúng tôi có được than đá để sưởi ấm trong nhà lên một chút. Tôi vô cùng đội ơn hành động này của kẻ thù cũ của đất nước chúng tôi."

Tuy nhiên, nhiều phi công của đồng minh làm công tác không vận hàng hóa vẫn cảm thấy căm tức người Đức. Nhưng đối với ông Gail Halvorsen, một phi công của Không lực Hoa Kỳ, thì tất cả những thái độ đó đã thay đổi khi lần đầu tiên ông tiếp xúc với người dân lao động Đức, những người đã lên máy bay của ông tại phi trường Templehof để bốc dỡ hàng hóa xuống.

Ông Halvorsen nói: "Họ đã không ngần ngại mà chạy thẳng đến phòng lái trên máy bay, đưa hai tay ra trong một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn. Họ nhìn những bao bột và nhìn chúng tôi như thể chúng tôi là những thiên thần được trời phái xuống. Biết ơn! Một khi ai đó tỏ ra biết ơn thì điều này sẽ khiến cho chúng ta muốn làm cái gì đó để giúp cho họ. Và họ thực sự biết ơn. Tình cảm nảy sinh từ sự giao tiếp riêng tư đó đã làm thay đổi thái độ của tôi."

Thế nhưng điều thực sự khiến ông Halvorsen cảm động là khi ông tiếp xúc với những trẻ em Đức vào ngày 17 tháng 7 năm đó. Những đứa bé này đến phi trường xem máy bay đáp xuống và xem người ta bốc dỡ hàng hóa ra khỏi máy bay. Ông Halvorsen nhớ rằng ông không thấy một đứa trẻ nào trong số này ngửa tay xin ông kẹo hay tiền như ở những nơi khác. Một đứa trẻ có vẽ hoạt bát hơn trong nhóm nói với ông Halvorsen rằng: 'Chúng em có thể sống theo chế độ khẩu phần, nhưng chúng em không thể để mất tự do được, vì tự do mất đi rồi sẽ không bao giời lấy lại được'. Ông Halvorsen đã cho mấy đứa bé giúp thông dịch cho ông hai thỏi kẹo cao su. Ông Halvorsen nói rằng hầu hết các em này đều sinh ra trong thời gian chiến tranh và chưa từng được ai cho kẹo như vậy."

Ông Halvorsen nói: "Tôi hy vọng là các em không tranh giành kẹo. Và chúng không hề tranh giành với nhau. Những đứa bé không được kẹo muốn xin một mẩu giấy gói kẹo; và đứa bé được chia nửa thỏi kẹo đã cẩn thận xé bao giấy bạc bên ngoài đưa cho những đứa không được kẹo. Và những đứa có được mẫu giấy gói kẹo đó đưa mẩu giấy lên mũi hít lấy hít để mùi thơm của kẹo với một ánh mắt thích thú. Hình ảnh đó đã khiến cho tôi phải cố làm thêm một điều gì đó."

Ông Halvorsen hứa sẽ thả kẹo bánh cho mấy đứa trẻ trong chuyến bay tới. Ông Halvorsen và đồng đội phi công của ông từ đó cứ hàng ngày lại thả những chiếc dù nhỏ bằng khăn tay, mang theo kẹo bánh xuống cho trẻ em. Con số trẻ em chờ nhận kẹo bánh ngày càng nhiều hơn. Việc làm này vi phạm quy định, và khi chuyện này bị lộ, lúc đầu ông Halvorsen đã gặp rắc rối lớn. Thế nhưng không lâu sau đó, ông được phép thả kẹo bánh xuống cho trẻ em Đức. Khi câu chuyện về những 'máy bay thả kẹo' này lan truyền sang Mỹ, trẻ em Mỹ bắt đầu gởi kẹo bánh sang cho trẻ em Đức, và những hãng sản xuất bánh kẹo ở Mỹ cũng góp tặng nhiều kẹo bánh.

Có lẽ nhờ sự thành công của Cầu không vận này mà Liên Xô đã chấm dứt chiến dịch phong tỏa Berlin vào tháng 5 năm 1949, 11 tháng sau khi chiến dịch này khởi sự. Tuy nhiên, ý nghĩa thành công của nỗ lực này lớn hơn nhiều chứ không chỉ có thực phẩm, nhiên liệu và 18 tấn kẹo bánh được thả xuống trong những chiếc dù bằng khăn tay. Như một trong những người Đức nhận được một thỏi kẹo sô-cô-la lúc đó, nay đã 60 tuổi, nói với ông Halvorsen rằng: 'Điều quan trọng là người Mỹ hiểu được chúng tôi đang trong hoàn cảnh khó khăn và họ đã quan tâm đến chúng tôi'.