Những bài học thực tế về tính toán ngân sách, đầu tư

Học sinh Hoa Kỳ ở bang California đang được học những bài kinh tế cụ thể qua các chương trình thiết kế để dạy kiến thức về tài chính. Phái viên Mike O'Sullivan của đài VOA tường thuật là các em học sinh đang học để tính toán ngân sách, đầu tư và hoạch định cho tương lai.

Tại chi nhánh ở Los Angeles của hệ thống Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, các học sinh được chứng kiến từ xa, cảnh các nhân viên đếm từng chồng tiền mặt, mỗi bó chứa tới 20,000 đôla. Trên các kiện gỗ gần đó, hết triệu này tới triệu đôla tiền mặt khác chồng chất lên nhau.

Các thiếu niên Ricardo DeLeon và Cherae Harris có vẻ rất ấn tượng và có đôi chút ghen tị với những người được làm việc ở đây.

Em Harris nói: "...em thề là những người này phải vượt qua biết bao nhiêu sức quyến rũ khi tiếp xúc với chừng này tiền. Họ phải có một hệ thống khép kín để có thể cho người ta làm vioệc, tiếp cận với chừng đó tiền, mà vẫn tin là không ai lấy bớt"

An ninh ở đây thì chặt chẽ. Hệ thống Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, hay gọi là FED, có chi nhánh trên khắp nước mà chưa từng bị cướp bóc bao giờ. Nó là ngân hàng trung ương của quốc gia, nơi tất cả những ngân hàng khác ký gởi tiền của họ.

Cơ sở tại Los Angeles, thuộc về Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, có kho chứa tiền lớn hàng thứ nhì trên toàn nước Mỹ. Nó giữ các khoản tiền của miền Nam California, Las Vegas và phần lớn bang Arizona. Kho chứa tiền lớn nhất nước tọa lạc ở East Rutherford thuộc bang New Jersey, bên ngoài thành phố New York.

Cô Andrea Abrams là điều phối viên giáo dục tại cơ sở Los Angeles, là nơi cô hướng dẫn các đoàn học sinh đến tham quan và dự các buổi thực tập. Hôm nay cô sẽ giảng một bài học ngắn về tài chính cho các học sinh đến từ Bellflower, California.

Cô Abrams nói: "Chúng tôi bắt đầu buổi thực tập bằng cách hỏi các em đã biết những gì về tiền bạc, hoặc tiền bạc có ý nghĩa gì với các em ? Nhiều em học sinh thường nói là, bạn cần tiền để sống còn, tiền bạc làm cho thế giới hoạt động. Chúng biết là cần tiền, nhưng không biết chắc là làm sao để kiếm tiền và để giữ khi đã có tiền".

Cô bảo các học sinh hãy bắt đầu tiết kiệm đi. Nếu chúng để dành mỗi ngày 15 đôla, với lãi suất 5%, thì chúng sẽ có 1 triệu đôla vào năm 65 tuổi.

Chúng sẽ được học rằng có những loại đầu tư cho lãi suất cao hơn, nhưng lãi suất cao thông thường cũng có nghĩa là sự đầu tư đó cũng có nhiều hiểm nguy hơn.

Các học sinh này thật ra là đã góp phần vào các quyết định tài chính rồi. Chúng tham gia vào một chương trình sau giờ học nhằm tiếp cận với doanh nghiệp. Cô giáo Estelle Rubio Delgado cho biết các học sinh được phân công đến các ngân hàng, văn phòng và tiệm bán lẻ để xin làm tập sự.

Cô Delgado nói: "Chẳng ai bảo đảm là chúng sẽ được tuyển dụng, nhưng khi chúng tôi cho các em qua tiến trình huấn luyện và giúp chúng viết resume, chỉ cách ăn mặc cho thích hợp, trả lời phỏng vấn ra sao, thì sau đó chúng tôi chỉ còn cầu mong là phần lớn học sinh được việc làm".

Học sinh Cherae Harris đang làm việc bán thời gian cho một công ty cho vay về địa ốc. Em nói là muốn học về khoa tâm lý và cho biết là phần tiếp cận về tài chính này sẽ giúp em hoạch định chương trình khi lên đại học.
Ricardo DeLeon thì đang học về ngân hàng và hy vọng sẽ tự trả học phí tại trường cao đẳng kỹ thuật để học về computer.

Cô giáo Andrea Abrams nói với các em rằng một kế hoạch tài chính thành công đòi hỏi một ngân sách, và phải quan tâm thật kỹ tới các khoản thu nhập và chi tiêu.

Cô nói hầu hết các em học sinh đều nắm bắt được diều này, và các em đều cảm thấy bị mê hoặc khi nhìn thấy những khoản tiền lớn lao tại đây. Thích thú nhất là các em được chứng kiến cảnh tiền cũ được xén nhỏ ra để nhường chỗ cho tiền mới.

Cô Abrams nói: "Thông thường khi các em chứng kiến chúng tôi xén nhỏ 27 triệu 400 ngàn đôla trong một ngày, mà chúng tôi thực hiện tại Los Angeles đây, thì phản ứng tức khắc của các em là, ừ, tiền cũ cũng chẳng sao. Em muốn có được một mớ tiền bỏ đi đó, được không ? Khi các em hiểu được là chúng tôi đang thay thế tiền cho nền kinh tế và xén bỏ tiền cũ để giữ cho khối lượng tiền lưu hành được ổn định, các em có phần thất vọng, nhưng đồng thời giúp các em hiểu được quan niệm về chính sách tiền tệ."

Học sinh ở San Francisco cũng học hỏi về tiền tệ qua một tổ chức gọi là Quỹ Quốc gia Giảng dạy Doanh nghiệp. Họ vừa tổ chức một cuộc thi qua đó các học sinh hoạch định kế hoạch làm ăn buôn bán. Học sinh trung học Ugo Ugamba thiết kế một chiếc mũ lưỡi trai có gắn pin, pin này làm một huy hiệu chớp tắt. Em Vivian Châu sáng chế một bình đựng trà pha với xương xâm, tương tự như loại trà sữa sệt mà nhiều học sinh hay mua ở các tiệm cà phê Á châu ở San Francisco vậy. Em Huong Cheng đoạt giải nhất với kế hoạch khởi đầu doanh nghiệp bằng việc giới thiệu học sinh tình nguyện đến làm việc cho nhà dưỡng lão.

Em Cheng nói: "Các học sinh sẽ làm những việc lặt vặt mà các cụ cao tuổi cần giúp, chẳng hạn như đọc sách cho các cụ nghe, hay đưa các cụ ra ngoài đi dạo, giúp họ khuôn các túi đi chở vào nha, những việc vặt mà người tình nguyện có thể làm."

Phân nửa tiền lương của các tình nguyện viên sẽ được trích ủng hộ các câu lạc bộ của trường các người đó, còn phân nửa trả cho doanh nghiệp của em Cheng. Những học sinh này được sự trợ giúp của các chuyên viên người lớn, gồm cả ông Neville Richardson, chuyên viên tư vấn tài chính cho công ty đầu tư Merrill Lynch.

Ông Richardson đặt vài câu hỏi cho các 'đối tác' doanh gia như: "Thật sự là bạn muốn làm ra bao nhiêu tiền? Và bao nhiêu thời giờ các bạn có thể thật sự giành cho doanh nghiệp này, cho trường học, có thể là còn cho công việc bán thời gian bạn làm để tài trợ cho doanh nghiệp, và ai là những người giúp vốn cho bạn? Như vậy, các em đã có một bài học nhỏ về thu góp tài chính."

Ông nói rằng những bài học đó sẽ giúp các học sinh nhiều trong quãng đời về sau.