Thượng nghị sĩ Barack Obama đang dành trọn thời gian của ngày đầu tiên như là người đương nhiên sẽ được Đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức tổng thống để đọc một bài diễn văn quan trọng về chính sách đối ngoại, nói chuyện trước một công đoàn đầy thế lực của Hoa Kỳ, tham dự một hoạt động gây quỹ, và trả lời phỏng vấn trên các hệ thống truyền hình Mỹ. Đối thủ của ông, Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, vẫn tiếp tục xuất hiện trước công chúng nhưng không cho biết khi nào bà sẽ thừa nhận thắng lợi của ông Obama và tuyên bố ủng hộ ông này. Sau đây là tường trình của thông tín viên Michael Bowman từ thủ đô Washington.
Hôm thứ Tư, Thượng nghị sĩ Barack Obama đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng và thêm những tuyên bố ủng hộ khác, kể cả từ một số nhân vật thuộc đảng Cộng hòa. Tòa Bạch ốc cho biết Tổng thống George W Bush đã chúc mừng ông Obama về “thành quả lịch sử” của ông, một thành quả mà, theo nguyên văn lời Tổng thống Bush, “phản ánh sự kiện là nước Mỹ đã tiến rất xa.”
Vài giờ sau khi trở thành người da màu đầu tiên được một chính đảng lớn của Hoa Kỳ chọn làm ứng cử viên tổng thống, ông Obama đã phát biểu trước một cuộc họp của Ủy ban Liên lạc quần chúng Mỹ Israel ở thủ đô Washington. Tại đây, ông đã tuyên bố quyết tâm bảo vệ nền an ninh của Israel, nói đến sự cần thiết phải có hòa bình ở Trung Đông, và giải thích về những bình luận trước đây của ông liên quan đến lời tuyên bố của ông rằng, nếu được bầu làm tổng thống, ông sẵn sàng gặp gỡ trực tiếp với các nhà lãnh đạo Iran vào một ngày nào đó.
Ông Obama cũng ca ngợi đối thủ cùng đảng với ông là Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, người đã ra tranh cử với hy vọng trở thành vị tổng thống nữ giới đầu tiên của nước Mỹ.
Ông Obama nói: “Tôi muốn công khai ca ngợi bà Hillary Clinton về cuộc tranh đua xuất sắc mà bà đã tiến hành. Bà là một người bạn trung thành của Israel. Bà là một Thượng nghị sĩ rất tài ba của bang New York. Bà là một nhà lãnh đạo phi thường của Đảng Dân chủ, và cùng với tôi bà đã làm nên lịch sử trong 16 tháng qua. Vì vậy tôi rất tự hào được có dịp tranh cử với bà.”
Bà Clinton chưa chính thức rút lui khỏi cuộc vận động tranh cử tổng thống, mặc dù bà đã tuyên bố với những người ủng hộ rằng bà sẵn sàng đứng chung liên danh với ông Obama để tranh chức phó tổng thống. Tuy nhiên, cho dù chưa chính thức thừa nhận sự thành công của ông Obama, bà Clinton đã tỏ dấu hiệu cho thấy bà biết rõ vị thế của ông Obama là người đương nhiên sẽ được Đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống. Bà Clinton cũng đã phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Liên lạc quần chúng Mỹ Israel, một vài phút sau khi ông Obama rời khỏi sân khấu.
Bà Clinton nói: “Sự cam kết mạnh mẽ của đảng Dân Chủ đối với quốc gia Israel là một trong những giá trị mà đảng của chúng ta quí trọng nhất. Điều này sẽ được tiếp tục dưới chính quyền của vị tổng thống kế tiếp của đảng Dân chủ. Tôi biết là thượng nghị sỹ Obama hiểu tầm quan trọng của vấn đề này. Thật là một vinh dự được tranh đua với ông trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Và hãy để cho tôi khẳng định rõ, rằng tôi biết chắc thượng nghị sỹ Obama sẽ là 1 người bạn tốt đối với Israel.”
Trong một cuộc tiếp xúc qua điện thoại vào sáng hôm thứ Tư, ông Obama và bà Clinton đồng ý sẽ trực tiếp gặp mặt, tuy nhiên họ không thảo luận về vấn đề đặc biệt nào. Hiện giờ thì người ta đang theo dõi sát xem khi nào và với điều kiện gì bà Clinton sẽ chấm dứt cuộc tranh đua sơ bộ với ông Obama. Trong khi đó các giới chức đảng Dân Chủ đang gắng sức để đoàn kết lại đảng Dân Chủ sau mùa tranh cử sơ bộ vốn đã có lúc gây nhiều hiềm khích trong nội bộ đảng.
Bên phía đảng Cộng hòa, Thượng nghị sỹ đại diện bang Arizona, ông John McCain tiếp tục chất vấn thông điệp của ông Obama, nói rằng ông sẽ đem lại thay đổi cho chính trường nước Mỹ. Lên tiếng tại bang Louisiana, người được coi là ứng cử viên của đảng Cộng Hòa ra tranh ghế Tổng Thống yêu cầu lập một lịch trình tranh luận mở rộng giữa ông và ông Obama, đồng thời tổ chức các cuộc thảo luận chung với dân chúng, hàng tuần tại nhiều nơi trên toàn quốc cho tới các cuộc bầu cử vào tháng 11.
Thượng Nghị Sĩ McCain nói: “Các buổi thảo luận chung đó chứng tỏ rằng cả hai chúng tôi đều hiểu là cuộc bầu cử này không thể nào quan trọng hơn đối với tình hình an ninh và sự sung túc kinh tế của các gia đình tại Hoa Kỳ. Quả thật đây là một cuộc bầu cử mang lại thay đổi, sẽ có những thay đổi rõ rệt trong hướng đi của đất nước. Nhưng sự lựa chọn mà nhân dân Hoa Kỳ đang phải cân nhắc, là giữa thay đổi tích cực và thay đổi tiêu cực.”
Một người phát ngôn của Thượng nghị sĩ Barack Obama nói rằng ý kiến mở ra những buổi thảo luận thân mật với dân hàng tuần như thế là một đề nghị lý thú.
Năm nay 46 tuổi, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đang vận động để trở thành một trong những Tổng thống trẻ tuổi nhất của Hoa Kỳ. Tuổi tác của ông tương phản hẳn với tuổi tác của Thượng Nghị Sĩ McCain, năm nay 71 tuổi. Nếu đắc cử, Thượng Nghị Sĩ McCain sẽ trở thành Tổng Thống Mỹ lớn tuổi nhất vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ và làm chủ nhân Tòa Bạch Ốc.