Viên chức cao cấp nhất của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Louise Arbour, đả kích nhà cầm quyền Miến Điện cản trở sự trợ giúp các nạn nhân bão lốc Nargis. Trong bài nói chuyện cuối cùng với Ủy hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Arbour kêu gọi xem xét thành tích nhân quyền của Miến Điện. Phái viên Lisa Schlein của đài VOA từ Genève tường thuật rằng bà Arbour sẽ rời chức vụ Cao ủy trưởng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng này.
Bà Louise Arbour hướng sự chú ý vào những thiên tai vừa qua tại Trung Quốc và Miến Điện, cũng được biết với tên Myanmar. Bà ngỏ lời chia buồn đến hàng triệu nạn nhân trận động đất tại Trung Quốc và cơn bão lốc tàn phá nhiều vùng tại Miến Điện.
Vị Cao ủy trưởng lên án phản ứng lãnh đạm của Miến Điện đối với trận cuồng phong Nargis. Bà nói một phần trách nhiệm là cũng do cộng đồng quốc tế đã giữ im lặng về những sự vi phạm nhân quyền của chính phủ Miến Điện. Bà thừa nhận rằng không một chính phủ nào có thể sẵn sàng để đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của dân chúng trong một thảm họa lớn như thế, mà cũng do đó nên sự trợ giúp của quốc tế là hết sức cần thiết.
Bà Arbour nói: "Các nạn nhân có quyền trông đợi những sự trợ giúp như thế và nhiệm vụ của các chính phủ và cộng đồng quốc tế là phải làm tất cả những gì trong quyền hạn của họ để tạo thêm thuận lợi. Trong trường hợp Miến Điện, việc ngăn trở việc điều phối sự trợ giúp đó cho thấy hệ quả đáng tiếc của tình trạng khoan nhượng của quốc tế kéo dài đã lâu đối với những vi phạm nhân quyền, khiến việc ngăn trở có thể xảy ra."
Liên Hiệp Quốc ước lượng có tới 2 triệu rưỡi người bị tác động bởi trận cuồng phong Nargis, hoành hành tại Miến Điện hôm mùng 2 tháng Năm vừa qua. Ngay sau thiên tai, giới lãnh đạo quân nhân nước này đã từ chối phần lớn sự trợ giúp của nước ngoài và không cấp thị thực nhập cảnh cho những chuyên gia cần thiết để điều phối một chiến dịch nhân đạo cứu trợ rộng lớn như vậy.
Trong những ngày gần đây, thái độ của những tướng lãnh Miến Điện đã có phần nào hòa dịu hơn, nhưng Liên Hiệp Quốc cho biết là vẫn còn một phần tư triệu người sống sót sau trận bão chưa được nhận sự cứu trợ của quốc tế. Ngược lại, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng ca ngợi chính phủ Nam Phi đã có hành động để bảo vệ những người di dân ngoại quốc bị tấn công.
Bà hoan nghênh quyết định của chính phủ Nam Phi đã không trục xuất những di dân bất hợp pháp đó. Tuy nhiên, vị cao ủy phê phán các chính sách ngày càng cứng rắn chống di dân bắt đầu được áp dụng tại Châu Âu. Bà đặc biệt chỉ trích chính phủ Italia của ông Silvio Berlusconi.
Bà Arbour nói: "Tại Châu Âu, những chính sách đàn áp, cũng như thái độ bài ngoại và bất dung, chống di dân khác thường và những cộng đồng thiểu số cũng là những quan tâm nghiêm trọng. Thí dụ điển hình của các chính sách và thái độ đó là quyết định hồi gần đây của Chính phủ Italia coi việc di dân bất hợp pháp là một tội hình sự và những vụ tấn công nhắm vào các khu định cư của người Roma ở Napoli và Milan."
Bà Louise Arbour cảnh báo những đại biểu của Ủy hội Nhân quyền chớ nên theo đuổi những ý đồ chính trị hạn hẹp, cục bộ. Bà lưu ý rằng sự hoài nghi về thành tích bảo vệ nhân quyền của Hội đồng không phải là không có cơ sở. Bà nói cơ quan này của Liên Hiệp Quốc đang có nguy cơ đánh mất danh tiếng bảo vệ nhân quyền của mình, chỉ vì muốn đạt sự đồng thuận giữa các nước thành viên ủy hội.