Nhiều nhân viên cứu trợ không được vào vùng châu thổ của Miến Ðiện

Các cơ quan cứu trợ quốc tế cho hay chính quyền quân nhân Miến Điện đã cấp thêm nhiều chiếu khán nhập cảnh cho các nhân viên cứu trợ quốc tế trong tuần này. Tuy nhiên các cơ quan này cũng than phiền rằng khi các nhân viên cứu trợ đã nhập cảnh Miến Điện thì họ lại bị giới hữu trách không cho đến vùng châu thổ sông Irrawaddy, tức là khu vực bị trận bão lốc Nargis tàn phá đã khiến cho hơn 134,000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Từ phòng tin Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok, thông tín viên Luis Ramirez có bài tường trình sau đây.

Các giới chức Liên Hiệp Quốc cho hay trong tuần qua kể từ khi Tướng Than Shwe hứa, khi ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đến thăm Miến Điện, rằng chính phủ của ông sẽ cho phép các nhân viên cứu trợ nước ngoài bất kể quốc tịch nào được vào Miến Điện, giới hữu trách nước này đã thực sự cấp thêm nhiều chiếu khán nhập cảnh cho các nhân viên cứu hộ. Tuy nhiên các quan chức này cũng cho biết rằng nhiều người trong số các nhân viên cứu trợ sau khi đã nhập cảnh Miến Điện lại không được phép đến vùng châu thổ sông Irrawaddy, tức là khu vực mà trận bão lốc quét qua đã san bằng nhiều làng mạc và hiện nay đang có khoảng 2 triệu 400 ngàn nạn nhân đang cần được tiếp cứu nước uống, thực phẩm và chăm sóc y tế.

Trong số những người chưa được cấp chiếu khán nhập cảnh có các nhân viên của Đội cứu hộ Thiên tai thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế của chính phủ Hoa Kỳ. Họ đã chờ đợi ở Bangkok mấy tuần lễ qua.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan, ông Eric John nói rằng Hoa Kỳ không từ bỏ nỗ lực cứu trợ thiên tai và giúp đỡ chuyên môn khi chính phủ Miến Điện cho phép.

Đại sứ John nói: “Cho đến bây giờ thì Miến Điện cũng chưa nói là các đội cứu hộ của chúng tôi sẽ được phép hay không được phép vào Miến Điện để bắt tay vào công tác cứu hộ. Đó là lý do mà chúng tôi vẫn tiếp tục thúc hối chính quyền Miến Điện, và chúng tôi nghĩ rằng các đội cứu hộ của chúng tôi khi đến hiện trường sẽ giúp ích được rất nhiều.”

Trong khi đó tàu của Hải quân Hoa Kỳ đang chở đầy nước uống và các loại vật phẩm cứu trợ khác cũng đang neo chờ ngoài khơi Miến Điện trong vùng biển Andaman. Chính quyền tại Washington cho hay họ dự định cứ để các chiếc tàu chở vật phẩm cứu trợ chờ đợi sẵn tại đó, tuy nhiên Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ khu vực Thái Bình Dương, Đô đốc Timmothy Keating trong tuần này đã nói rằng các chiếc tàu này chỉ có thể chờ ở đó thêm vài ngày chứ không thể chờ đợi thêm vài tuần.

Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ nói rằng mặc dù chính phủ Miến Điện cho phép thêm vật phẩm cứu trợ được chuyển vào nước họ nhiều hơn so với những tuần lễ trước đó, không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi trong chính sách của các tướng lãnh cầm quyền, đó là họ vẫn không cho phép quốc tế cứu trợ ở mức quy mô lớn.

Hoa Kỳ đã cam kết 23 triệu đôla dành cho các nỗ lực cứu trợ, và đã gởi hơn 70 chuyến hàng cứu trợ bằng máy bay đến thành phố Rangoon.

Ngoài vật phẩm cứu trợ, các tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện còn gợi ý là họ cần tiền, và họ đã đề nghị 11 tỉ đôla để giúp cho công việc tái thiết.

Một tờ báo của nhà nước Miến Điện chỉ trích cộng đồng quốc tế là đã không trợ giúp đủ cho nỗ lực này. Tờ báo đả kích các nước cấp viện là đóng góp không đủ 201 triệu đôla như mục tiêu mà Liên hiệp quốc đề ra trong lời kêu gọi cứu trợ khẩn cấp hồi đầu tuần này.