Giá lương thực, thực phẩm gia tăng đang trở thành một mối quan tâm lớn trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia, từ Ghana cho đến Mexico, đã bắt đầu giảm thuế nhập khẩu và các loại thuế đánh trên lương thực, thực phẩm. Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp hơn 700 triệu đôla để giúp các nước đang phát triển đáp ứng các nhu cầu về lương thực cơ bản. Các chuyên gia nói rằng có nhiều mẹo đơn giản mà người người tiêu dùng ở bất cứ đâu cũng có thể ứng dụng để tăng hiệu quả tối đa chi tiêu của họ cho lương thực, thực phẩm. Sau đây là tường trình của Thông tín viên Mil Arcega của đài VOA.
Những người bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nói rằng bây giờ là thời gian tốt nhất để thay đổi thói quen mua sắm. Một chuyên gia về cắt giảm chi phí đang giảng dạy tại Đại học Missouri nói rằng mặc dù trong tình hình giá cả lương thực, thực phẩm đang gia tăng, chịu khó bỏ thời giời một chút để lập kế hoạch thì có thể tiết kiệm được rất nhiều. Chuyên gia Cynthia Fauser nói điều trước tiên cần phải nắm vững là 'thì giờ là vàng bạc'.
Bà Fauser nói: “Cứ mỗi phút có mặt tại các cửa hàng là chúng ta đã tiêu tốn mất 2 đôla 17 xu, do đó chúng ta cần phải rút ngắn thời gian tối đa trong lúc đi mua sắm, bởi vì như vậy chúng ta sẽ giảm được tối đa số tiền bị tiêu phí.”
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây do báo USA Today và tổ chức thăm dò Gallup cùng thực hiện cho thấy gần phân nửa người dân Mỹ nói rằng giá cả thực phẩm giá tăng đã gây khó khăn cho gia đình của họ. Chuyên gia dinh dưỡng Ellen Schuster nói rằng một phần của những khó khăn này phát sinh từ lượng thực phẩm bị người tiêu dùng Mỹ bỏ phí.
Chuyên gia Schuster giải thích: “Trung bình một gia đình bốn người ở Mỹ bỏ phí thức ăn, trái cây, rau, ngũ cốc và thịt tương đương với khoảng 600 đôla một năm. Và nếu chúng ta dùng số tiền này để đổ xăng cho xe 10 lần, mỗi lần 60 đôla, thì chúng ta thấy đây là một khoản tiết kiệm rất lớn mà chúng ta có thể làm được.”
Để giảm thiểu việc bỏ phí thực phẩm, chuyên gia Schuster khuyên rằng người tiêu dùng nên ăn no trước khi đi chợ và chỉ nên mua những thứ gì mình cần mà thôi. Bà Schuster khuyên không nên mua các món hàng với số lượng lớn, và khi có thể thì nên mua những món hàng có thương hiệu phổ biến, vì không những giá cả của chúng rẻ hơn, mà chúng còn được sản xuất bởi những công ty có tên tuổi. Bà Schuster khuyên nên lấy nước trái cây cô đặc để pha ra uống thay vì mua loại nước trái cây đã được pha sẵn, vì mỗi chai nước trái cây pha sẵn đó mắc hơn khoảng 60%. Và đối với các gia đình muốn tiết kiệm hơn nữa thì nên ăn uống ở nhà thay vì đi tiệm.
Bà Schuster nói: “Đáng tiếc việc đi ăn tiệm chính là một nguyên do gây lãng phí tiền bạc vào thức ăn. Theo tôi thì một nguyên nhân khác nữa mà chúng ta cần quan tâm khi đi ăn tiệm là chúng ta không kiểm soát được trong các món ăn ở tiệm có chứa những thứ gì. Nếu chúng ta tự nấu ở nhà, chúng ta có thể kiểm soát được nên nấu bao nhiêu là đủ ăn, nên cho vào bao nhiêu lượng dầu mỡ, muối v.v..”
Cần phải lưu ý đến các chiến lược khuyến mãi của người bán. Chẳng hạn như phiếu giảm giá có thể giúp tiết kiệm được tiền, nhưng chúng lại lôi cuốn người tiêu dùng mua những món hàng mà bình thường họ sẽ không mua. Chuyên gia Cynthya Fauser khuyên rằng nên chọn những món hàng để ở những dãy kệ thấp ở bên dưới, bởi vì các nhà sản xuất thường phải trả thêm chi phí cho các cửa hàng, để hàng hóa của họ được bày trên những dãy kệ ở vị trí thuận tiện, bắt mắt khách hàng.
Bà Fauser khuyên: “Do đó nếu chúng ta chịu khó tìm kiếm ở những dãy kệ ở dưới thấp hoặc ở trên cao, chúng ta có thể tìm được các món hàng có giá thấp hơn. Hàng hóa cùng loại nhưng giá cao hơn thường được bày trên những dãy kệ nằm ngay trước mắt chúng ta.”
Các chuyên gia khuyên rằng áp dụng những mẹo nhỏ này có thể giúp tiết kiệm được rất nhiều mỗi năm, và như vậy có thể giúp chi trả một phần cho giá cả tăng của lương thực, thực phẩm.