Ân Xá Quốc Tế kêu gọi thực thi Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu

Tổ chức Amnesty International, tức Hội Ân xá Quốc tế, cho biết nhiều Chính phủ đã không thực hiện đầy đủ bản Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu sau 60 năm thông qua, và cần tạ lỗi dân chúng về việc này. Trong bản báo cáo nhân quyền hàng năm, tổ chức này điểm lại thành tích của 150 quốc gia và tìm thấy nhiều nước còn thiếu sót. Từ trung tâm thông tin đài VOA ở Luân Đôn, phái viên Tendai Maphosa gửi về bài tường thuật sau đây.

Việc bản Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu được thông qua hồi năm 1948, theo Hội Ân xá Quốc tế, là một sự kiện đặc biệt về lãnh đạo. Nó đã được chào đón với nhiều lạc quan sau thời Thế chiến thứ Hai.Nguyên đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt là một trong những người chia sẻ sự lạc quan đó.

Bà Roosevelt nhận xét: "Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền này cũng có khả năng trở thành bản Đại Hiến chương quốc tế cho tất cả mọi người ở mọi nơi".

Hội Ân xá Quốc tế công nhận rằng đã có những tiến bộ trong việc cải thiện các tiêu chuẩn nhân quyền, hệ thống và định chế khu vực và quốc tế. Nhưng dù có những thành quả đó, tình trạng bất công, bất bình đẳng và phạm tội mà không bị trừng phạt, vẫn còn đầy rẫy. Tổng thư ký tổ chức Amnesty International, bà Irene Khan, cho biết là nhiều chính phủ đã không bảo vệ những quyền con người họ đã cam kết trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu.

Bà Khan nói: "Tổ chức Ân xá Quốc tế thách thức các nhà lãnh đạo thế giới hãy tạ lỗi về sáu thập niên thất bại trong việc thực thi nhân quyền, và kiên quyết có hành động cụ thể để thay đổi tình trạng đó".

Bà Khan nói rằng một trong những thoái bộ đáng trách nhất là Hoa Kỳ, cùng với những nước ký kết bản tuyên ngôn toàn cầu từ nguyên thủy, đã không áp dụng những gì mà văn kiện đó khuyên bảo.

Bà Khan nói: "Tra tấn và hành hạ đã được chính quyền Mỹ xem là những hình thức chấp nhận được để thu thập tin tình báo. Hoa Kỳ không phải là thủ phạm duy nhất phá hỏng các nguyên tắc đó, nhiều bằng chứng mới xuất hiện trong năm 2007 cho thấy sự đồng lõa của vài quốc gia trong Liên hiệp Châu âu, nhưng đã không có nước nào mở cuộc điều tra độc lập, không nước nào từ bỏ hay áp dụng những biện pháp phòng ngừa mà Hội đồng Châu âu yêu cầu".

Hội Ân xá Quốc tế tố cáo Hoa Kỳ đã vi phạm nhân quyền bằng những việc như bí mật giam giữ và thẩm vấn con người mà không xét xử tại những nơi như ở Guantanamo bên Cuba, ở Baghram bên Iraq, và ở Afghanistan.

Tổ chức này cũng đặt câu hỏi là làm sao Liên Hiệp Châu Âu có thể đòi Trung Quốc hay Nga tôn trọng nhân quyền, vào khi những chính phủ thành viên EU đã đồng lõa trong việc tra tấn. Tổ chức này cũng chỉ trích Châu âu về việc giới hạn quyền của những người tỵ nạn và tìm nơi trú ẩn.

Quay sang các cường quốc đang lên, Hội Ân Xá Quốc tế nói các chính phủ đó không những phải tôn trọng bản tuyên ngôn nhân quyền trong nước mình, mà còn cần sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu nước khác cũng phải áp dụng. Bà Khan nhắc nhở những nước như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi và Brazil rằng song hành với ảnh hưởng chính trị là trách nhiệm.

Hội Ân xá Quốc tế kêu gọi Trung Quốc hãy thực hiện những cam kết về nhân quyền mà họ đã hứa trước đại hội thể thao Olympic Bắc Kinh, bằng cách cho tự do ngôn luận và chấm dứt chương trình 'lao động cải tạo'. Đối với Nga, Hội Ân Xá Quốc tế yêu cầu khoan dung hơn đối sự bất đồng chính kiến và chấm dứt vi phạm quyền con người tại Chechnya.

Về mặt tích cực, bà Irene Khan của Hội Ân xá Quốc tế cho biết những đòi hỏi về công bằng và bình đẳng của dân chúng ngày càng nhiều và các chính quyền không thể làm ngơ.

Bà Khan nói: "Nếu nhìn lại năm 2007, những gì tôi nhớ nhất là hình ảnh các tăng sĩ Phật giáo trong áo cà sa ở Miến Điện, là các luật sư Pakistan trong âu phục đen đòi hỏi công lý, bình đẳng, pháp trị, nhân quyền. Những người dân xuống đường đã khiến các chính quyền phải xấu hổ trong năm 2007".

Tuy nhiên, Giám đốc Toàn cầu Sự vụ của Hội Ân Xá Quốc tế, ông Claudio Cordone nêu lên một mặt tích cực khác.

Ông Cordone nói: "Một việc đáng nêu lên ở tầm mức toàn cầu là chuyện Liên Hiệp Quốc quyết định ra lệnh tạm ngưng áp dụng án tử hình hồi cuối năm rồi. Lần đầu tiên mới có một quyết định yêu cầu án tử hình không được áp dụng bất cứ nơi đâu trên thế giới và đã có một số chính phủ tuân hành và một số chính phủ khác bị áp lực của xã hội dân sự về việc này".

Tổng thư ký Irene Khan của Hội Ân Xá Quốc tế cảnh báo rằng dân chúng không ngừng yêu cầu áp dụng bản tuyên ngôn nhân quyền đã 60 năm. Theo bà, chính phủ nào làm ngơ sẽ tự chuốc lấy khó khăn.