Dân Mỹ ra nước ngoài chữa bệnh

Y phí tại Hoa Kỳ ngày càng tăng, rất nhiều người lâm vào tình cảnh không có bảo hiểm y tế, mà nếu có chăng nữa, bảo hiểm y tế cũng chỉ trả một phần, còn bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trả phần còn lại. Chính vì thế mà hiện nay số bệnh nhân tại Hoa Kỳ ra nước ngoài chữa trị mỗi ngày một đông. Mời quí thính giả theo dõi câu chuyện tuần này trong Lá Thư Mỹ Quốc do Lan Phương biên soạn sau đây.

Những ai là thành phần thuộc những người Mỹ ra nước ngoài chữa trị? Phần lớn đây là những người thuộc giới tiểu thương, sở hữu cơ sở làm ăn nhỏ, và thường không mua bảo hiểm y tế vì giá quá cao. Họ có số thu nhập hằng năm không cao lắm nhưng lại không quá thấp để có thể xin được bảo hiểm y tế của chính phủ. Ngoài ra có một số những người khác vì lý do nào đó, cũng không có bảo hiểm y tế.

Trong trường hợp chẳng may bị những tật bệnh cần tới giải phẫu thì mỗi ca mổ tại Hoa Kỳ có thể lên tới hàng trăm ngàn đô la,vượt quá khả năng chi trả của họ. Theo tờ tuần báo US News and World Report số ra ngày 12 tháng 5, thống kê năm 2006 cho biết cứ 4 người Mỹ có thu nhập gộp ít nhất là 60,000 đô la một năm lại có hơn một người không có bảo hiểm.

Ra nước ngoài chữa trị là một giải pháp cho nhiều người không có bảo hiểm. Vậy những quốc gia nào là nơi mà họ thường đến? Câu trả lời là: Ấn Độ, Thái Lan và Singapore. Tờ báo US News and World Report đề cập đến bệnh viện Wockhardt tại Bangalore và Bombay ở Ấn Ðộ, nơi tiếp nhận ngày càng đông bệnh nhân từ Hoa Kỳ sang chữa trị, như giải phẫu để thay xương bánh chè hoặc mổ tim.

Bệnh viện Bumrungrad tại thủ đô Bagkok của Thái Lan, nói rằng họ chữa trị cho 38 ngàn người Mỹ mỗi năm. Con số này có hơi quá, có lẽ họ tính gộp luôn cả những Mỹ kiều sinh sống ở đó và những người chỉ ghé một lần vì những chứng bệnh sơ sài khi trên đường du lịch.

Bà Trung Lê, đã từng sống một thời gian dài tại Thái Lan, và hiện là chủ nhân cơ sở dịch vụ du lịch LT Travel tại phía bắc bang Virginia, sát với thủ đô Washignton, hoạt động từ 15 năm nay, nói rằng, qua những tiếp xúc với khách hàng, bà biết là có rất nhiều người, trong số này có những khách hàng gốc Việt, về các quốc gia đông nam Á như Thái Lan, Singapore và ngay cả Việt Nam để chữa bệnh hoặc sửa sắc đẹp.

Bà Lê nói: "Rất nhiều người ngoại quốc đi về chữa bệnh ở bên kia. Lúc tôi còn ở bên Bangkok thì người Mỹ về Bangkok chữa bệnh cũng rất nhiều. Các bệnh viện bên Bangkok rất là tốt, họ về đó làm răng, sửa sắc đẹp hay chữa những bệnh nặng cũng rất tốt, cho nên tôi thấy mọi người đi về vừa du lịch vừa chữa bệnh nữa, bởi vì bên kia tiền chũa bệnh rất rẻ,chỉ bằng 1/4 hay 1/3 bên này thôi mà các dịch vụ của họ rất là tốt. Các bác sỹ thường đi học ở bên Mỹ hoặc là bên Ăng-Lê (Anh) cho nên họ nói tiếng Anh và ngành chuyên môn của họ rất là giỏi. Ngay cả các cô y tá cũng nói tiếng Anh giỏi nữa."

Tờ tuần báo tin tức US News and World Report cho biết giá cả nhẹ nhàng hơn đã khiến một số các hãng bảo hiểm y tế bắt đầu xét đến vấn đề trả y phí cho những bệnh nhân sang các quốc gia khác chữa trị. Ông David Boucher, trợ lý phó chủ tịch của công ty bảo hiểm y tế BlueCross BlueShield tại bang South Carolina, phát biểu rằng giá cả có thể là một động lực sơ khởi, nhưng phẩm chất trong việc chữa trị cũng như dịch vụ chăm sóc dành cho bệnh nhân đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy các hãng bảo hiểm y tế tính đến chuyện trả y phí cho bệnh nhân chữa trị tại các cơ sở y tế ở nước ngoài

Bà Lê nói: "Ở Thái Lan thì có hai bệnh viện lớn là Samitivej và Bumrunggrad. Lúc sau này nhiều người về bên kia chữa bệnh nên họ phát triển rất là hay. Bệnh viện mà chị không thể tưởng tượng được là nó như khách sạn vậy. Phía trên là các phòng cho bệnh nhân nhưng phía dưới như là cái shopping mall (thương xá), nó có tất cả các tiệm ăn, từ McDonald, Pizza Hut hay là tiệm ăn của Nhật, Tàu, rồi có chỗ shopping(mua sắm) cho những người thăm bệnh nhân ở trong đó. Bệnh viện Bumrungrad rất là tốt. Phòng cho bệnh nhân rất rộng rãi, có chỗ cho thân nhân nuôi bệnh nhân được."

Một số người có ý định làm một công hai việc, đó là vừa đi chữa bệnh, vừa đi du lịch. Bà Trung Lê giải thích về kết hợp giữa du lịch với chữa bệnh.

Bà Lê nói: "Bệnh viện lớn như Bumrungrad bên Bangkok, tùy theo bệnh, người ta có thể có những cái bệnh viện của họ ở vùng bên, cho nên thời gian chữa bệnh ở Bangkok người ta thấy là cần thiết phải đưa ra vùng biển để dưỡng thì người ta đưa ra vùng đó, như vậy cũng n hư là mình đi du lịch vậy, nhưng trong khi đó có bác sĩ chữa bệnh cho mình. Đó thực sự là du lịch: nghỉ xả hơi, relax (thư giãn), vậy mới đúng. Còn du lịch mà bôn ba để mua sắm thì lại khác nữa. Đi du lịch kiểu này là để chữa bệnh, tức là hằng ngày vẫn có bác chữa trị nhưng vẫn có không khí của biển, hay là trong bệnh viện người ta có những buổi giảng thuyết hay tập tành cái này cái kia cho mình thoải mái, rồi ăn những thức ăn tốt, bệnh viện người ta nấu cho mình những thức ăn tốt, đó là mình đi du lịch, giống như đi cruise vậy, mà vẫn chữa bệnh được."

Giáo sư Trịnh Hanh, chuyên giảng dạy về quản trị y tế tại đại học Wisconsin, lưu ý về việc ra nước ngoài chữa bệnh:.

Bà Trịnh nói: "Nếu họ phải ra nước ngoài chữa bệnh thì họ nên tìm đến những trung tâm được certified (chứng nhận) bởi ban giám khảo quốc tế, nếu không thì họ có thể lãnh rất nhiều hậu quả về những chuyện đáng tiếc mà họ không thể ngờ được, chẳng hạn như có người đi sang nước ngoài chữa bệnh nhưng không tìm hiểu được trung tâm chữa bệnh hay y sỹ chữa trị cho mình, nên khi đến nơi thì y sỹ không làm đúng thủ thuật, thứ hai nữa là đôi khi y sỹ đó không đủ thẩm quyền để chữa bệnh nhưng họ tự cho là có đủ thẩm quyền để chữa, thì có thể tạo vấn đề, ở Mỹ gọi là mal practice, mà bệnh nhân là người phải chịu hậu quả đó. Nếu không có đủ tiền và không có bảo hiểm ở nước Mỹ mà phải sang nước ngoài chữa bệnh thì điều tốt nhất là nên tìm hiểu những trung tâm chữa bệnh ở nước ngoài trước khi đến và nên liên lạc với bác sỹ, người giải phẫu cho mình. Nếu không liên lạc với người đó, tìm hiểu người đó và giúp cho người đó tìm hiểu bệnh lý của mình thì đi ra nước ngoài chữa trị sẽ gặp nhiều điều không được như ý. Vấn đề này rất là phức tạp chứ không đơn giản. Có những người ra nước ngoài thay knee cap (xương bánh chè) hay hip replacement (thay xương hông) thì ở nước Mỹ đôi khi có thể phải trả 150 ngàn hay 120 ngàn. Ra nước ngoài chỉ độ 30 - 40 ngàn, họ có thể bỏ tiền túi ra trang trải được. Đó là lý do họ đi ra nước ngoài. Nếu ra nước ngoài như Thái Lan, India (Ấn Độ), những chỗ đó có nhiều sự kiểm soát của ủy ban quốc tế thì có lẽ nó khá được bảo đảm. Nhưng đôi khi cũng không biết được rõ ràng những nơi đó có đủ thẩm quyền như mình muốn hay không."

Và thưa quí vị, ra nước ngoài chữa bệnh đồng thời để du lịch là một chọn lựa của một số người. Tuy nhiên, chúng tôi xin nhắc lại: điều quan trọng là phải tìm hiểu thật kỹ về bệnh viện quí vị sẽ tới chữa trị,xem cơ sở này có được ủy ban quốc tế công nhận hay không; tìm hiểu về bác sỹ sẽ giải phẫu hay chữa trị cho mình, xem vị đó có đủ bằng cấp chuyên môn hay không. Ngoài ra phải xét xem lý lịch của vị bác sỹ này có từng phạm những lỗi lầm nghề nghiệp hay không. Thêm vào đó, quí vị phải tiếp xúc trước với bác sỹ sẽ chữa trị cho quí vị, để được tìm hiểu về bệnh lý và bệnh sử.

Cũng theo tin của tờ US News and World Report thì cho dù bạn có cẩn thận mấy chăng nữa, vẫn có rủi ro là các thông tin mà bạn thu thập được chưa chắc đã hoàn toàn đúng sự thực.

Tờ báo này cũng cung cấp một địa chỉ trên mạng để quí thính giả có thể truy cập thông tin về những bệnh viện trên thế giới được ủy ban thẩm định quốc tế công nhận: http://www.usnews.com/directories/international-hospitals