Giới chức ngoại viện hàng đầu của Hoa Kỳ hôm qua cho biết rằng Washington sẽ tiếp tục thực hiện cuộc không vận vật phẩm cứu trợ cho nạn nhân bão lụt Miến Điện, mặc dù có tin nói rằng chính quyền quân nhân Miến Điện đã chuyển một số hàng cứu trợ vào mục đích riêng. Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, bà Henrietta Fore nói thêm rằng nhu cầu cấp thiết của các nạn nhân quan trọng hơn nhiều so với những vấn đề khác. Từ trụ sở bộ ngoại giao Mỹ, thông tín viên David Gollust của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.
Các giới chức viện trợ Mỹ nói rằng có dấu hiệu cho thấy chính phủ Miến Điện có thể nới lỏng hạn chế đối với nhân viên cứu trợ nước ngoài và phẩm vật cứu trợ của Mỹ sẽ tiếp tục được chở tới Rangoon, mặc dù có tin cho biết không phải tất cả các phẩm vật cứu trợ đều tới tay những người đang cần.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID, đã cho báo chí biết như thế trong lúc các hãng thông tấn và các tổ chức phi chính phủ nói rằng một số hàng cứu trợ đã bị quân đội Miến Điện tịch thu và mang ra bán trên thị trường.
Bà Fore vừa trở về nước sau khi thực hiện chuyến viếng thăm Đông Nam Á, trong đó có chuyến đi tới Rangoon trên chuyến bay đầu tiên chở phẩm vật cứu trợ của Mỹ. Bà nói với các phóng viên rằng bà có biết về các tin tức đó nhưng cuộc không vận sẽ tiếp tục, ít ra là vào thời điểm này, vì tầm mức to lớn của nhu cầu cứu trợ.
Bà Fore nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hàng ngày. Chúng tôi liên tục thẩm định tình hình để đoan chắc là lương thực được phân phát cho những người đang cần. Chúng tôi sẽ tìm cách thực hiện việc thẩm định tại chỗ. Nhưng vào lúc này, vì nhu cầu quá lớn, quá to lớn, cho nên chúng tôi phải chấp nhận một số rủi ro với hy vọng là sự trợ giúp có thể tới tay những người cần nhất."
Tính đến ngày thứ tư, giới hữu trách Miến Điện đã cho phép 8 chuyến bay chở hàng cứu trợ của Mỹ được hạ cánh ở Rangoon, nhưng vẫn từ chối không nhận sự trợ giúp trong việc phân phát và không chấp nhận sự theo dõi của nước ngoài đối với quá trình này.
Bà Fore cho biết một toán nhân viên của USAID vẫn còn kẹt ở Thái lan vì giới hữu trách Miến Điện không cho phép nhập cảnh.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại ASEAN, ông Scot Marciel cho hay: Miến Điện đã cho phép một số chuyên viên cứu trợ của các nước Đông Nam Á được vào Miến Điện.
Ông Marciel nói: "Hôm nay chúng tôi nghe nói giới hữu trách Miến Điện đã cho phép các chuyên viên cứu trợ của các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, Ấn độ, Bangladesh và Thái lan, được vào Miến Điện. Vì vậy tôi nghĩ rằng một số các nước ASEAN sẽ tìm cách nắm bắt cơ hội này. Tôi nghĩ rằng từ khi thảm họa này xảy ra thì hầu như tất cả các nước ASEAN đều tiếp xúc với giới hữu trách Miến Điện để thuyết phục họ tiếp nhận thêm phẩm vật và nhân viên cứu trợ quốc tế."
Cho đến nay, Hoa Kỳ cam kết trợ giúp hơn 17 triệu đô la cho công tác cứu trợ bão lụt ở Miến Điện. Chính phủ ở Washington cũng tỏ ý cho thấy là ngân khoản viện trợ sẽ cao hơn rất nhiều nếu chuyên viên của Mỹ được tới Miến Điện để trực tiếp thẩm định nhu cầu và bảo đảm cho việc phẩm vật cứu trợ tới tay nạn nhân.
Hôm qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở New York cho biết họ đã xác nhận được tin nói rằng loại bánh bích qui năng lượng cao chở tới Miến Điện đã bị chính quyền ở đây tịch thu và thay vào đó bằng loại bánh sản xuất trong nước có phẩm chất thấp để đưa tới khu vực lâm nạn.
Tổ chức Human Rights Watch hối thúc các chính phủ tiếp tục đòi được trực tiếp theo dõi việc phân phát hàng cứu trợ vì việc này không thể phó thác hoàn toàn cho quân đội Miến Điện, một định chế mà họ cho là thường lạm dụng quyền hành và không được trang bị đầy đủ.