Việt Nam sẽ trợ cấp cho ngư dân

Có 100,000 tàu đánh cá ở Việt Nam, mà các chuyên gia bảo vệ môi trường cho là quá nhiều, và họ cảnh báo về tình trạng đánh cá quá mức ở vùng nước ven biển Việt Nam. Nhưng ngư dân Việt Nam đang bị thiệt hại vì giá nhiên liệu tăng. Để giúp họ, chính phủ sẽ cung cấp cho họ những khoản trợ cấp để đóng nhiều tàu thuyền hơn. Từ Hà Nội, phái viên Matt Steinglass của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thứ trưởng nông nghiệp Nguyễn Văn Thắng nói với ngư dân Việt Nam trong tuần này rằng chính phủ sẽ giúp họ một tay. Ông Thắng cho biết bất cứ ngư dân nào mua một chiếc tầu mới với động cơ 90 mã lực trở lên sẽ được hưởng một khoản trợ cấp chừng 3,500 đôla một năm.

Nhưng chính sách mới này dường như đi ngược lại với sách lược chính thức của Việt Nam là giảm bớt đội ngư thuyền. Việt Nam có gần 100,000 tàu thuyền đánh cá. Con số đó quá nhiều, theo các chuyên gia về dã sinh như ông Keith Symington thuộc tổ chức bảo vệ dã sinh quốc tế WWF, là tổ chức cho rằng trữ lượng cá đang cạn dần.

Ông Symington nói: “Năm 2001, đối với loại cá ngừ, thì trung bình có thể dùng 100 cần câu để đánh bắt được khoảng 25 kilogram. Đến năm 2005, tính trung bình, con số đó giảm xuống còn 15 ký. Phải khó nhọc hơn mới đánh được cùng số lượng cá.”

Đánh bắt cá quá mức như thế này có thể gây phương hại trầm trọng đến ngư nghiệp của Việt Nam. Ông Symington giải thích tiếp:

“Về mặt khoa học, hiện tượng này được gọi là sự cạn kiệt hàng loạt. Có nghĩa là cuối cùng sẽ đi tới chỗ là không có cá con được sinh sản nữa. Và rồi sẽ đi đến khủng hoảng thực sự. Nguồn cá có thể trở nên mau chóng cạn kiệt về mặt thương mại.”

Ông Michael Akester là một nhà tham vấn nông nghiệp đã giúp Việt Nam khai triển sách lược ngư nghiệp. Ông nói rằng chính phủ đã đồng ý giảm con số thuyền đánh cá nhỏ.

Ông Akester nói: “Kế hoạch ngũ niên từ 2006 đến 2010 nêu ra rằng chính phủ sẽ cố gắng giảm con số tàu thuyền đánh cá xuống còn khoảng 40,000.”

Nhưng đó là trước khi giá nhiên liệu tăng vọt và gây thiệt hại nặng nề cho các hoạt động đánh cá nhỏ.

Ông Akester nói: “10 đến 40 phần trăm các thuyền nhỏ này hiện đang đậu ở bến bởi vì không có đủ khả năng đi đánh cá do giá nhiên liệu quá cao.”

Ông Lê văn Đập là một ngư phủ sống ở đảo Chàm, ngoài khơi thành phố Hội An miền trung Việt Nam. Ông Đập cho biết hơn phân nửa ngư phủ trên đảo này đang ở nhà và đi tìm việc làm khác.

Nhưng ngư dân không tìm được việc làm khác thì rất cần sự giúp đỡ. Trong khi các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới cấm chính phủ trợ cấp trực tiếp xăng dầu, thì kế hoạch trợ cấp cho những tàu đánh cá lớn hơn, có thể đi đánh cá xa bờ hơn, lại được phép.

Thứ trưởng nông nghiệp Thắng cũng đã ngụ ý cho thấy chính phủ có thể rút lại mục tiêu cắt giảm đội ngư thuyền xuống một nửa.

Chuyên gia Akester cho rằng đó là một sai lầm. Trước hết, theo ông, ngay cả lượng cá ngoài khơi gần Việt Nam cũng đã bị cạn kiệt vì những chiếc tàu đánh cá lớn của Nhật Bản và Tây Ban Nha, vì thế mà tàu thuyền lớn hơn chưa chắc đã có thể giúp tăng thu nhập.

Ông Akester cho rằng chính phủ đang mất đi cơ hội đưa ngư dân thất nghiệp vì giá nhiên liệu quá cao chuyển qua các công nghiệp khác, như nuôi hải sản và chuyên chở đường biển. Chẳng hạn như ông Đập hiện đang kiếm nhiều tiền hơn lúc ông đi đánh cá. Ông dùng chiếc thuyền của ông để đưa du khách đi ngoạn cảnh quanh hòn đảo quê hương xinh đẹp của ông.