Một toán các giới chức Hoa Kỳ đang đi thăm Bắc Triều Tiên để khảo sát về tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng tại nước này. Chuyến đi này có thể mở đầu cho việc Hoa Kỳ viện trợ thực phẩm cứu trợ cho Bắc Triều Tiên. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo bài tường trình của phái viên Kurt Achin của Đài VOA gởi về từ Hán Thành.
Chuyến đi thăm Bắc Triều Tiên của phái đoàn Hoa Kỳ diễn ra giữa lúc nước này đang thiếu hụt lương thực cơ bản trầm trọng. Phát ngôn viên của của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, ông Moon Tae-young hôm nay nói rằng các đặc sứ Hoa Kỳ đang tìm cách giúp đỡ Bắc Triều Tiên.
Ông Moon Tae-young nêu ra sự kiện trận lụt lớn hồi năm ngoái đã gây một vụ thu hoạch kém ở Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, giá ngũ cốc thế giới tăng vọt khiến cho số lượng ngũ cốc trên toàn cầu ít đi. Ông Moon cho biết toán công tác của Hoa Kỳ đã được giao nhiệm vụ đánh giá tình hình và thảo luận các biện pháp cung cấp viện trợ. Những cảnh báo về tình hình ở Bắc Triều Tiên xuất phát từ nhiều phía.
Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc cho hay sản lượng lương thực của Miền Bắc có phần chắc là giảm ít nhất là 40% trong số tối thiểu mà người dân cần có để sống qua ngày.
Tuần rồi, Viện kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại thủ đô Washington đã đưa ra lời cảnh báo rằng Miền Bắc đang phải đối đầu với tình trạng bấp bênh nhất kể từ sau khi xảy ra nạn đói vào giữa những năm 90, là lúc người ta tin rằng có hàng trăm ngàn người chết vì nạn đói.
Một tổ chức viện trợ Nam Triều Tiên có tên gọi 'Good Friends' nói rằng khẩu phần ăn đã bị giảm hẳn hoặc bị bãi bỏ, ngay tại Bình Nhưỡng trong số những người thường có đặc quyền về chính trị. Quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đã lạnh nhạt kể từ lễ nhậm chức hồi tháng hai của Tổng thống Lee Myung-bak, người có tư tưởng bảo thủ.
Vị tân Tổng thống này đã chấm dứt các chính sách viện trợ lương thực vô điều kiện của chính quyền trước kia. Ông Lee nói rằng viện trợ nhân đạo từ Hán Thành tùy thuộc vào các tiến bộ mà Bắc Triều Tiên đạt được trong việc xóa bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Trong những ngày gần đây, chính quyền của ông Lee đã xoa dịu lập trường này và cho biết sẽ đề xuất việc viện trợ lương thực, nhưng chỉ với điều kiện Bắc Triều Tiên chính thức yêu cầu.
Các nhà phân tích nói rằng Bắc Triều Tiên có thể coi làm như thế là mất mặt, sau khi mới đưa ra các tuyên bố công khai là họ có thể tự lo liệu một cách dễ dàng mà không cần sự bố thí của miền Nam.
Theo dự kiến, các cuộc hội đàm đa phương nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ được tái nhóm vào cuối tháng này. Các giới chức Mỹ có thể nhân dịp ấy để loan báo các biện pháp nhằm làm dịu cơn khủng hoảng lương thực của Miền Bắc.