Thái Lan, nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới cho hay là muốn thành lập một tổ hợp tương tự như Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa, gọi tắt là OPEC, cùng với 4 nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á để có thể có khả năng kiểm soát nhiều hơn đối với giá gạo từng tăng gấp ba trong năm nay.
Tin của thông tấn xã AP và của hệ thống truyền hình giây cáp Mỹ CNN cho biết: Bộ Trưởng Thương Mại Thái Lan Mingkwan Saengsuwan dự tính thảo luận với các nhân vật tương nhiệm của Việt Nam, Lào, Kampuchea và Miến Điện về đề nghị này.
Theo phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Vichienchot Sukchokrat, Thủ Tướng Thái Samak Sundaravej đã nêu ra ý kiến thành lập một tổ hợp các nước xuất khẩu gạo trong các cuộc thảo luận hôm thứ Tư với Thủ Tướng Miến Điện Thein Sein tại Bangkok.
Theo tin của AP, ông Samak cho hay Miến Điện tán trợ ý kiến này, trong khi các viên chức tại Việt Nam cho biết là đang nghiên cứu và có thể hậu thuẫn cho ý kiến của Thái Lan.
Tuy nhiên, Thông Tấn Xã DPA của Đức lại dựa vào tin loan trên tờ Bankok Post hôm thứ Sáu cho hay các viên chức Việt Nam đã bác bỏ lời tuyên bố của Thủ Tướng Thái Lan về chuyện sắp đạt được việc thành lập một tổ hợp ấn định giá gạo gây nhiều tranh cãi.
Theo tin vừa kể, phía Việt Nam cho biết các nhà thương thuyết của Thái Lan đã dự trù viếng thăm Việt Nam tháng trước để thảo luận vấn đề, nhưng cho tới nay chưa thấy xuất hiện. Ý kiến về việc thành lập tổ hợp các nước xuất khẩu gạo này cũng còn gặp sự chống đối mạnh mẽ ngay tại Thái Lan.
Theo nhật báo Bangkok Post, các nhà xuất khẩu gạo nói rằng khó thành lập được một tổ hợp độc quyền như vậy vì gạo là một loại nhu yếu phẩm rất nhạy cảm về mặt chính trị và việc sản xuất gạo tương đối khó kiểm soát.
Hôm thứ Năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Thành Biên tuyên bố rằng: Việt Nam chưa có phản ứng chính thức gì đối với sang kiến của Thái Lan, và phía Thái Lan dự trù tới Việt Nam cuối tháng trước để thảo luận vấn đề, nhưng họ chưa tới.
Tin trên cho biết hôm thứ Tư, Thủ Tướng Thái Lan Samak Sundaravej nói rằng Thái lan, Việt Nam, Kampuchea, Lào và Miến Điện đã thỏa thuận trên nguyên tắc về việc thành lập một tổ chức các quốc gia xuất khẩu gạo để ấn định giá gạo trên thị trường quốc tế.
Lời tuyên bố của Thái Lan đã gây lo ngại cho các nước nhập khẩu gạo, trong có nhiều nước nghèo khó, đang phải đối diện với viễn ảnh thiếu gạo và đói kém vì chuyện gạo tăng giá tới 80% kể từ đầu năm.
Hôm thứ Năm, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Arthur Yap của Philippines, một trong những nước nhập khẩu nhiều gạo, kêu gọi 5 thành viên của tổ chức các nước xuất khẩu gạo có thể thành hình tiếp tục xuất khẩu gạo như bình thường.
Tháng Tư vừa rồi, Việt Nam hạn chế việc xuất khẩu gạo trong năm 2008 ở mức 3 triệu 500 ngàn tấn, nhưng nói rằng hành động này chỉ để bảo đảm tình trạng an ninh thực phẩm trong nước, chứ không phải để thao tác giá gạo trên thế giới.
Ông Trần Tiến Khải, một kinh tế gia về nông sản trong chương trình đào tạo kinh tế của Fullbright ở Thành Phố Hồ Chí Minh, cho biết ý kiến về việc việc thành lập một tổ hợp các nước xuất khẩu gạo để loại trừ hiện tượng giá cả trồi sụt trong thị trường gạo đã được nêu ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên quyền lợi khác biệt đã khiến các nước khó ngồi lại với nhau.
Thái Lan có gạo phẩm chất tốt hơn của Việt Nam, và vì thế có thể tìm cách nâng cao giá gạo trong thị trường quốc tế. Việc thành lập một tổ hợp sẽ gây phương hại tới khả năng của các công ty Việt Nam muốn gia tăng lượng bán của mình trên thị trường qua chuyện bán với giá rẻ hơn.
Ông Khải còn cho biết thêm rằng gạo là một nhu yếu phẩm có tính cách chính trị, và nước nào cũng muốn nâng cao sức mạnh của mình lên mức tối đa. Vì thế, theo ông Khải, việc những nước như Việt Nam và Thái Lan ngồi chung với nhau và thỏa thuận chung về việc kiểm soát giá gạo là một việc khó thực hiện.