Giá gạo tăng, nông gia không được hưởng lợi

Khi giá gạo tăng lên tới mức kỷ lục tại Việt Nam cuối tuần trước, nhiều nông gia bận rộn cày cấy ngoài đồng đã không biết gì về tin này, và vì thế đã chẳng thâu hoạch được nhiều lợi nhuận như mọi người nghĩ.

Thông tín viên Geoffrey York của Nhật báo Globe And Mail của Canada viết một phóng sự, trong đề cập đến hòan cảnh khó khăn của nông dân Việt Nam hiện nay, trong có trường hợp của một nông gia, tên Tôn Ngọc Luân.

Khi ông Luân biết được tin gạo tăng giá thì đã quá trễ. Hành động can thiệp của chính phủ đã gây rối ren cho thị trường, và các nhà buôn gạo trong vùng đã không chịu mua thóc lúa ông vừa gặt hái. Ông còn kẹt 7 tấn gạo trong kho, chờ giới buôn gạo quyết định sẽ mua với giá như thế nào. Ông than phiền rằng như nhiều nông dân quê mùa khác, ông chẳng biết gì về việc trồi sụt của giá gạo. Vì thế, khi giá gạo tăng gấp đôi, phần lớn nông dân đã chỉ kiếm lời được thêm rất ít, ngay cả ở tại Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ nhì trên thế giới.

Mặt khác, tiền thu hoạch của họ có gia tăng, nhưng chi phí cho việc sản xuất gạo cũng gia tăng, nhất là phân bón, đi theo sát với giá nhiên liệu. Dầu xăng, dùng để bơm máy tưới nước vào ruộng và chuyên chở thóc gạo, cũng tăng giá rất mau.

Ngay cả giá công trả cho các lực điền cũng tăng vì những người này đòi trả công cao để đối phó với tình trạng lạm phát trong nước gia tăng. Trong các cuộc phỏng vấn trên khắp nước, thông tín viên York được nghe nhiều nông gia than phiền rằng chi phí canh tác giờ đây tăng gần gấp đôi so với năm ngoái khiến lợi nhuận của họ chẳng thêm được là mấy, dù giá gạo trên thị trường trong và ngoài nước gia tăng. Các nhà phân tích tình hình đã đồng ý với những nông gia này.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một kinh tế gia về lúa gạo, nói rằng lợi nhuận không nằm trong tay nông gia, mà chính giới trung gian và giới đầu cơ tích trữ đã hưởng lợi khi bán được gạo với giá cao hơn. Giáo sư Xuân lo ngại là trước áp lực của giới tiêu thụ trong các vùng đô thị, chính phủ sẽ ra lệnh giảm giá gạo, và sự kiện này sẽ khiến giới nông gia nghèo khó thêm vì chi phí canh tác vẫn gia tăng.

Giáo sư Xuân cũng cho biết thêm rằng đa số nông dân Việt Nam không hưởng thêm lợi ích gì trước sự kiện giá gạo trên thị trường toàn cầu gia tăng vì năm nay chính phủ hạn chế xuất khẩu gạo để bảo đảm trong nước có đủ gạo ăn. Giáo sư Xuân cho hay hành động hạn chế xuất khẩu này rất bất công đối với nông dân.

Tin nói những kẻ đầu cơ tích trữ đã lợi dụng tình hình. Nhiều bằng chứng cho thấy vụ giá gạo tăng mới đây là do giới đầu cơ tích trữ khai thác nỗi lo sợ của nhiều người rằng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo là dấu hiệu thiếu gạo.

Một nông gia khác, ông Trần Văn Bình, đã chỉ cho thông tín viên York thấy nhiều cánh đồng mọc đầy cỏ dại. Theo ông Bình, nhiều nông dân đã bỏ ruộng hoang vì không có khả năng mua phân bón và thuốc trừ sâu. Ở Bắc Việt, ruộng có diện tích nhỏ hẹp hơn và vì vậy nông dân vất vả hơn. Nhiều nông dân chỉ trồng đủ gạo ăn, và vì thế chi phí sản xuất đã là một gánh quá nặng đè lên vai họ.

Một mối đe dọa khác nữa cho tình trạng an ninh thực phẩm là đất canh tác đã ngày càng biến mất một cách rõ ràng. Nhiều nông gia đã bị buộc phải từ bỏ đất đai của họ để lấy chỗ xây cất các khu công nghiệp và phát triển đô thị.

Người ta ước tính trong 5 năm qua, khoảng 4% diện tích đất canh tác đã nhường chỗ cho công tác phát triển và 2 triệu 500 ngàn nông dân đã bị buôc phải từ bỏ ruộng vườn của họ.

Một nông dân suốt đời sống bằng nghề cày cấy gần Hà Nội cho hay đang phải cố kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, với lợi tức khoảng 3 hay 4 đô la một ngày.