Khủng hoảng lương thực đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói

Nhiều giới chức chính phủ và các tổ chức quốc tế đã nhóm họp trong vài tuần qua để bàn về những biện pháp nhằm đối phó với vụ khủng hoảng lương thực mà nhiều người cho rằng đang đe dọa tới sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Các tổ chức từ thiện cho biết khoảng 850 triệu người trên thế giới bị đói kém và giá thực phẩm tăng mạnh hồi gần đây sẽ khiến cho hàng trăm triệu người rơi trở lại vào tình trạng nghèo túng. Mời quí thính giả theo dõi thêm các chi tiết sau đây với Duy Ái dựa theo tường thuật của thông tín viên Shelley Gollust của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Giá thực phẩm đang tăng mạnh ở nhiều nước trên thế giới và các nhà hoạch định chính sách kinh tế cảnh báo rằng điều này có thể khiến cho nhiều triệu người rơi vào cảnh nghèo túng. Các tổ chức cứu trợ đang lo ngại là họ không còn đủ khả năng để nuôi ăn cho những người nghèo.

Vụ khủng hoảng này đã làm bùng ra những vụ rối loạn tại một số quốc gia trong vài tuần qua, trong đó có các nước Ai Cập, Haiti, Indonesia, Senegal, và Bangladesh.

Hôm 18 tháng tư vừa qua, Chương trình Thực phẩm Thế giới đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để quyên góp 256 triệu đô la. Tổ chức của Liên Hiệp Quốc này cho biết họ cần có thêm khoản tiền vừa kể sau khi đã yêu cầu cộng đồng quốc tế quyên góp 500 triệu đô la hồi tháng trước. Người đứng đầu Chương trình Thực phẩm Thế giới, bà Josette Sheeran, nói rằng chi phí mà tổ chức của bà phải trả để mua lương thực đã tăng hơn 50% trong vòng chưa đầy một năm. Bà nói thêm rằng nếu không có thêm sự quyên góp thì tổ chức của bà sẽ phải cắt giảm số người nhận được trợ giúp thực phẩm.

Bà Sheeran cho rằng giá thực phẩm gia tăng đang đe dọa tới an ninh của nhiều nước trên khắp thế giới. Tại cuộc họp ở London hôm thứ ba vừa qua với Thủ tướng Gordon Brown của Anh, bà Sheeran nói rằng vụ khủng hoảng hiện nay là một "thiên tai sóng thần thầm lặng". Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện một chiến dịch cứu trợ qui mô lớn, tương tự như những nỗ lực để giúp đỡ cho các nạn nhân sóng thần Á Châu năm 2004.

Bà Sheeran nói: "Chỉ số khốn khổ của thế giới đang trên đà gia tăng tới mức độ của một trận sóng thần thầm lặng, một thiên tai vượt khỏi ranh giới quốc gia. Nhiền nạn nhân không biết chuyện gì đã xảy ra."

Một tổ chức phát triển khác là Ngân hàng Phát triển Á Châu cho rằng: giá thực phẩm gia tăng đang gây phương hại cho các nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Họ cũng kêu gọi các chính phủ tránh áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại có thể làm cho vụ khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn. Các giới chức của Liên Hiệp Quốc mới đây cũng đã quyết định đặt vấn đề giá lương thực làm ưu tiên hàng đầu trong hộïi nghị cấp Bộ trưởng của khối APEC diễn ra vào tuần sau tại Bangkok.

Tuần trước, các giới chức viện trợ quốc tế đã họp tại Italia để bàn về các biện pháp ứng phó. Hội nghị này qui tụ các đại diện của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc và hai tổ chức từ thiện CARE và Oxfam.

Các giới chức này nói rằng khoảng 850 triệu người trên thế giới đang gánh chịu nạn đói, và tình trạng này xuất hiện trước khi nạn khan hiếm lương thực xảy ra. Họ ước tính có ít nhất 10 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì ảnh hưởng của nạn suy dinh dưỡng và con số này mỗi ngày một tăng.

Hồi đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã mở hội nghị tại Washington. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Robert Zoellick nói rằng đói kém, suy dinh dưỡng và chính sách lương thực là những vấn đề quan trọng. Ông hối thúc các nước trợ giúp lương thực giúp đỡ khẩn cấp cho các nước nghèo để ứng phó với tình hình trước mắt.

Ông Zoellick nói: "Những người nghèo ở Yemen giờ đây phải dùng hơn một phần tư thu nhập để mua bánh mì, trước khi họ có thể mua những lương thực thiết yếu khác cho con cái của họ. Đó là chưa kể tới những chi tiêu cần thiết và cơ bản khác như chăm sóc sức khỏe và nhà ở."

Ông Zoellick nói rằng giá thực phẩm tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua có thể đây một trăm triệu người ở các nước nghèo lún sâu hơn vào cảnh nghèo túng, và điều đó sẽ tạo ra nhiều tổn hại cho các thế hệ tương lai.

Tình trạng khan hiến lương thực đã làm bùng ra nhiều vụ rối loạn ở các nước nghèo, đặc biệt nghiêm trọng là vụ hỗn loạn xảy ra ở Haiti hồi đầu tháng này.

Sau vụ rối loạn, Quốc hội Haiti đã truất phế Thủ tướng Jacques Edouard Alexis. Tổng thống Haiti, ông Rene Preval, đã phê chuẩn các kế hoạch cứu trợ khẩn cấp và đang ra sức cộng tác với các nhà cung ứng thực phẩm và các tổ chức cứu trợ để giảm 15% giá gạo.

Tuần trước, Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra ở Bắc Triều Tiên, là nước đã có hàng triệu người thiệt mạng vì đói trong thập niên 1990.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng nạn đói trên thế giới đang đe dọa tới nền an ninh toàn cầu. Về việc này, giáo sư Vanda Felbab-Brown của Đại học Georgetwon ở Washington cho biết như sau.

Giáo sư Felbab-Brown nói: "Những nhóm có chủ trương chống Mỹ như al-Qaida sẽ đổ lỗi cho các nước Tây phương về tình trạng khan hiếm thực phẩm. Rồi sau đó họ sẽ dùng những kỹ thuật hiện đại để lôi kéo người khác về phe của họ."

Nhận định vừa kể cũng nhận được sự tán đồng của bà Jane Lane, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Chính sách An ninh Quốc nội của Đại học George Washington. Bà Lane nói thêm rằng Hoa kỳ và các nước đồng minh cần có những giải pháp dài hạn để chống lại những ý tưởng cực đoan.

Bà Lane nói: "Đó không phải là một chiến dịch quan hệ công cộng của Mỹ. Đó không phải là một cuộc vận động để làm đẹp hình ảnh nước Mỹ trên trường thế giới. Chúng ta cần phải đưa ra, và khuyến khích người khác đưa ra, những tầm nhìn thay thế, những ước mơ và hy vọng cho những người trẻ. Chúng ta phải làm thế nào cho giới trẻ trên thế giới có được một tương lai khác hơn là tương lai mà những kẻ cực đoan phác họa."

Giáo sư Lane cho rằng cộng đồng quốc tế cần có biện pháp cấp thời để đối phó trước khi vụ khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn. Các giới chức Liên Hiệp Quốc đã ước tính rằng vụ khủng hoảng này sẽ khiến cho hơn 100 triệu người rơi vào tình cảnh đói kém và suy dinh dưỡng.