Lãnh đạo Nam Triều Tiên, Nhật hứa hẹn mở ra 'một kỷ nguyên mới'

Các nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên và Nhật Bản hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ song phương vốn có nhiều khó khăn. Sau hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, các giới chức của hai nước nói rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề thương mại và an ninh, và gia tăng những cuộc thăm viếng ngoại giao. Phái viên Kurt Achin của Đài VOA gởi về từ Hán Thành bài tường trình sau đây.

Đứng bên cạnh Tổng thống Lee Myung-bak của Nam Triều Tiên, Thủ tướng Yasuo Fukuda của Nhật đã loan báo việc phục hồi các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước. Thủ tướng Fukuda nói rằng đôi bên đã bắt đầu kế hoạch ngoại giao con thoi. Ông Fukuda nói thêm rằng ông sẽ thực hiện chuyến công du Nam Triều Tiên vào cuối năm nay, và hai bên sẽ gặp gỡ nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G-8 sắp diễn ra ở Nhật, để thiết lập điều mà ông gọi là 'một kỷ nguyên mới' trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak nói rằng: ông muốn các mối quan hệ nhắm tới tương lai với Nhật Bản, sẽ không gặp điều mà ông gọi là 'những phản ứng có tính chất phản xạ' đã tạo ra sự va chạm trong những năm gần đây. Nhật Bản đã áp đặt một chế độ cai trị hà khắc lên bán đảo Triều Tiên trong hầu hết nửa đầu của thế kỷ 20.

Nhiều người Nam Triều Tiên nói rằng Tokyo chưa có những hành động thỏa đáng để chuộc tội. Người tiền nhiệm của Tổng thống Lee, ông Roh Moo-hyun đã ngưng các cuộc tiếp xúc ở cấp cao với Nhật Bản do có tranh chấp về việc các chính trị gia hàng đầu của Nhật Bản đến thăm ngôi đền liệt sĩ gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hiện nay cả hai bên đã đồng ý thực hiện lại cuộc thương thuyết về hiệp định tự do hóa mậu dịch đã bị bế tắc, và hợp tác để việc chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Fukuda nói rằng Nhật Bản muốn bình thường hóa các quan hệ với Bắc Triều Tiên càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều kiện trước tiên là Bắc Triều Tiên phải giải quyết vấn đề liên quan đến các công dân Nhật Bản bị bắt cóc và vấn đề phát triển phi đạn của Bình Nhưỡng. Thủ tướng Fukuda nói rằng Nhật Bản cần sự ủng hộ của chính phủ Nam Triều Tiên đối với vấn đề hạt nhân. Tổng thống Lee tái đảm bảo sự ủng hộ này với Thủ tướng Nhật.

Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác để có được một giải pháp cách ôn hoà nhằm chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vì việc này đe dọa đến khu vực Đông bắc Á và cả thế giới. Bình Nhưỡng đã trễ hạn hơn 4 tháng trong việc khai báo đầy đủ về các kho vật liệu và các hoạt động hạt nhân. Bắc Triều Tiên đã hứa sẽ cung cấp bản khai báo này vào trước cuối năm 2007.

Tuy nhiên, cuộc hội đàm mới đây giữa đặc sứ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân tại Singapore cho thấy dường như đã có một sự khai thông. Hôm nay, một toán các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở cấp công tác đã đến Hán Thành. Họ sẽ đến Bình Nhưỡng vào ngày mai để thảo luận về việc đúc kết bản khai báo hạt nhân.

Những trở ngại chính làm trì hoãn việc đưa ra văn kiện này là do Hoa Kỳ caó buộc Bắc Triều Tiên bí mật thực hiện chương trình làm giàu chất uranium và nghi ngờ Bình Nhưỡng hợp tác về hạt nhân với Syrie. Có tin cho hay: Bắc Triều Tiên sẵn sàng thừa nhận các mối quan tâm này trong một văn kiện riêng, không nằm trong hồ sơ khai baó chính thức.

Ông Kim Sook, Trưởng đoàn đàm phán Nam Triều Tiên trong các cuộc hội đàm đa phương về vấn đề hạt nhân với Bắc Triều Tiên, phát biểu với Đài phát thanh Pyeonghwa của Nam Triều Tiên rằng mọi thứ mà Bắc Triều Tiên khai báo đều cần phải được kiểm chứng.

Ông Kim Sook nói rằng Nam Triều Tiên sẽ không hết nghi ngờ nếu không kiểm chứng sự khai báo của miền bắc. Ông nói thêm rằng việc kiểm chứng phải được thực hiện một cách khách quan và có chứng cứ khoa học, hơn là bằng cách chỉ chấp nhận những sự giải thích của miền Bắc. Ông cũng nói thêm rằng việc này đòi hỏi phải có thời gian.

Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân có thể sẽ được tái nhóm ngay sau khi Bắc Triều Tiên giao nộp bản khai báo. Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng một vòng đàm phán mới có thể sẽ được tổ chức vào tháng 5 tới đây.