Giá cả thực phẩm tăng vọt đang gây ra những vấn đề lớn lao tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Một yếu tố khiến giá tăng cao có thể là nhu cầu về nhiên liệu sinh học trên toàn cầu mỗi ngày mỗi tăng thêm, nhiên liệu cho xe cộ chế tạo ít nhất một phần từ bắp hay các loại hoa mầu thực phẩm khác. Từ Washington, biên tập viên Kent Klein ghi nhận vấn đề và một số giải pháp có thể có trong bài viết sau đây.
Một số người chỉ trích nhiên liệu sinh học lập luận rằng dùng nhiên liệu có cơ sở là thực phẩm làm nguồn năng lượng cho xe hơi đã đi đến tình trạng cạnh tranh thực phẩm giữa người và xe hơi. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick mới đây cho biết cơ quan của ông đã kết luận rằng tăng gia sản xuất nhiên liệu sinh học là một yếu tố đẩy giá thực phẩm tăng cao.
Ông Zoellick nói: “Trong khi nhiều người mải lo đổ đầy bình xăng, thì có nhiều người khác trên khắp thế giới còn phải chật vật làm thế nào cho đầy bụng. Và việc này đang trở nên ngày càng gay go hơn.”
Bản phúc trình của Ngân hàng Thế giới nói rằng những quan ngại về giá dầu, an toàn năng lượng và biến đổi khí hậu đã khiến các chính phủ khích lệ dân chúng sản xuất và sử dụng nhiều nhiên liệu sinh học hơn, và bớt dùng xăng dầu.
Bản phúc trình nói rằng điều đó có nghĩa là nhu cầu lớn hơn về nguyên vật liệu, trong đó có lúa mì, đậu nành, dầu cọ và bắp, và như thế là thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Ngân hàng Thế giới cũng quy lỗi cho tình trạng năng lượng và phân bón đắt đỏ hơn, cũng như những lệnh cấm xuất khẩu và đồng đôla Mỹ yếu đã khiến cho giá thực phẩm gia tăng.Với khái niệm đó, bà Kimberly Elliott, một thành viên kỳ cựu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu, nói rằng đã đến lúc các chính phủ ngưng chú trọng quá nhiều vào các loại nhiên liệu sinh học dùng bắp làm cơ sở, tỷ như chất ethanol.
Bà Elliott nói: “Giá cả thực phẩm tăng cao bởi vì chúng ta đã biến bắp từ thức ăn thành ra nhiên liệu, chẳng làm lợi được bao nhiêu cho môi trường, mà lại rất tốn kém, vì thế thực ra đó là một chính sách không hợp lý tí chút nào cả.”
Tiểu bang Iowa miền trung Hoa Kỳ nằm trong số các tiểu bang dẫn đầu về trồng bắp và sản xuất ethanol. Tại Iowa City, ông Michael Ott, giám đốc điều hành Biowa, một hiệp hội thương mại của các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học, cho rằng khích lệ sản xuất ethonal thực ra không phải là sự chọn lựa giữa thực phẩm và nhiên liệu.
Ông Ott nói: “Bắp được dùng làm ethanol không thể cho người ăn được. Chỉ có khoảng 5% số bắp thu hoạch là được tiêu thụ trực tiếp. Phần còn lại dùng làm thực phẩm gia súc, như trâu bò, heo và gà –rồi biến thành các sản phẩm. Vì thế có rất nhiều thứ làm bằng bắp. Và nói rằng đây là một sự cạnh tranh thì không đúng lắm.”
Tuy nhiên, một thùng bắp bán với giá 2 đôla 12 cent hồi tháng giêng năm 2005 đã tăng lên đến gần 6 đôla vào lúc kết thúc ngày giao dịch hôm thứ sáu tuần trước.
Một phương sách khác có thể là chế tạo ethanol từ một nguyên liệu nào khác ngoài bắp. Bộ trưởng nông nghiệp Brazil tin rằng giải pháp có thể là đường.
Ông Reinhold Stephanes nói rằng: chính phủ của ông đang tăng sản lượng ethanol làm bằng đường mà không gây trở ngại cho các nỗ lực gia tăng sản lượng thực phẩm. Brazil là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, và theo dự kiến, sẽ sử dụng phần lớn số mía thu hoạch được trong mùa này để sản xuất ethanol.
Tại New York, người đứng đầu về mua bán đường cho công ty xuất nhập khẩu Newedge USA, ông James Cassidy nói rằng giải pháp này có thể có tác dụng với Brazil nhưng không chắc sẽ giúp ích cho Hoa Kỳ.
Ông Cassidy nói: “Hầu hết các nước không có đủ đất để trồng mía. Phí tổn sản xuất đường quá cao tại các nước đó. Hoa Kỳ rơi vào trường hợp này. Chúng ta không có đủ số lượng đường dư thừa, chúng ta phải nhập khẩu đường. Chúng ta không có đủ đất để mở rộng việc sản xuất đường, và chi phí sản xuất không đủ thấp để làm được việc ấy.”
Bà Kim Elliott thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu nói rằng giải pháp dài hạn là dành thêm nỗ lực vào việc phát triển thế hệ kế tiếp của nhiên liệu sinh học.
Bà Elliott nói: “Ethanol có gốc từ các loại cỏ hay các nguồn khác, hoặc từ các loại chất thải sinh học khác, có nghĩa là dùng lõi bắp thay vì hạt bắp. Những nguyên liệu này vừa hữu hiệu hơn và không có ảnh hưởng đến việc sử dụng đất. Ta vẫn có thể dùng bắp làm thực phẩm mà không cần gia tăng nhu cầu về đất trồng.”
Tại Iowa, ông Michael Ott nói rằng thế hệ kế tiếp của nhiên liệu sinh học đang sẵn sàng.
Ông Ott nói: “Tôi tin chắc rằng ethanol dùng bắp làm nguyên liệu là giải pháp sơ khởi. Đó không phải là phương cách cuối cùng chúng ta sử dụng. Nó có hiệu quả. Nó là một sản phẩm phụ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường. Nhưng nó cung cấp cho ta cơ sở hạ tầng, giúp chúng ta phương tiện để điều chỉnh tiến trình để làm ra các sản phẩm lớn hơn và tốt hơn.”
Hay có lẽ giải pháp không nằm trong việc tăng sản lượng mà là giảm bớt sự tiêu thụ về năng lượng. Ông Eric Holt-Gimenez, giám đốc điều hành Food First, học viện khảo cứu về thực phẩm và chính sách phát triển có cơ sở ở California, nói rằng người ta cần phải bớt sử dụng nhiên liệu, cho dù thuộc loại nào.
Ông Holt-Gimenez nói: “Toàn bộ vấn đề về cơn sốt nhiên liệu sinh học này là chúng ta được mời mọc để tin rằng chúng ta có thể thoát ra khỏi việc tiêu thụ quá mức bằng cách tiêu thụ quá mức. Chúng ta không thể tiếp tục tiêu thụ theo cách thức chúng ta đang tiêu thụ, về mặt năng lượng. Chúng ta phải cắt giảm bớt.”