Tư lệnh cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq tuyên bố bất cứ ai sử dụng bạo động, kể cả các thành viên của lực lượng dân quân người Shia, cũng sẽ bị trừng trị. Nhưng đồng thời, Đại Tướng Petraeus cũng kêu gọi chính phủ Iraq hãy tỏ ra nhạy cảm trong việc xử lý vấn đề này. Thông tín viên Al Pessin của đài VOA tường trình về một cuộc họp báo của Đại Tướng Petraeus ở Washington hôm thứ Năm.
Chính tình hình bạo động do các dân quân Shia tại thành phố Basra ở miền Nam Iraq gây ra đã dẫn đến cuộc tấn công của chính phủ Iraq vào thành phố này hồi tuần trước. Cuộc tấn công đó lại châm ngòi cho các cuộc tấn công khác ở Baghdad nhắm vào chính phủ Iraq và các mục tiêu Hoa Kỳ, do những phần tử ủng hộ các lực lượng dân quân Shia thực hiện. Đại Tướng Petraeus nói cuộc hành quân của chính phủ Iraq tại Basra đã không được hoạch định và thực hiện một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, hôm thứ Năm, ông vẫn ủng hộ ý kiến phải hành động chống các nhóm bạo động.
Đại Tướng Petraeus nói: "Dĩ nhiên, bất cứ ai nổ súng vào các binh sĩ của chúng ta, hoặc các lực lượng Iraq, hoặc thường dân vô tội, cũng sẽ bị xử lý."
Tuy nhiên, Tướng Petraeus kêu gọi chính phủ Iraq hãy thận trọng về cách đối phó với các lực lượng dân quân Shia, làm thế nào để tránh làm cho vấn đề trở nên nan giải hơn nữa.
Tướng Petraeus nói: "Tôi tin rằng nên có một đường lối tiếp cận hết sức nhạy cảm, trong khi tình hình đang diễn tiến, để bảo đảm người ta không cảm thấy bị dồn vào chân tường, và không còn một lối thoát nào khác."
Cũng có mặt trong buổi họp báo, Đại Sứ Mỹ tại Iraq, ông Ryan Crocker, nói chính phủ Iraq đang làm việc đó bằng cách cung cấp các ngân quỹ phát triển cho các khu vực Shia, và đồng thời chiến đấu chống các phần tử tranh đấu Shia ở Basra.
Đại Tướng Petraeus nói chính phủ Iraq phải bảo đảm rằng cuộc hành quân của họ tại Basra không phá vỡ thỏa thuận ngưng bắn đã được Giáo sĩ Moqtada al-Sadr, thủ lãnh của lực lượng dân quân Shia lớn nhất, tuyên bố.
Giáo sĩ Sadr nói: "Rõ ràng là chúng tôi lo ngại về khả năng cuộc ngưng bắn có thể bị tan vỡ. Tình hình đó không có lợi cho bất cứ một ai."
Đại Tướng Petraeus nói rằng cuộc ngưng bắn đó là một trong 3 yếu tố chủ yếu đã đưa đến những cải thiện trong tình hình an ninh ở Iraq trong năm qua, cùng với việc tăng quân số các lực lượng Mỹ và Iraq, cũng như sự thay đổi lập trường trong các bộ tộc Sunni ở miền Tây Iraq, từ bỏ các hoạt động ủng hộ phe nổi dậy để về phe với các lực lượng Hoa Kỳ.
Tướng Petraeus nói rằng điều quan trọng là phải biết phân biệt giữa một bên là Giáo sĩ Moqtada al-Sadr, chính đảng và lực lượng dân quân của ông này, với các nhóm khác, kể cả những thành phần một thời từng là thành viên của các lực lượng dân quân Shia, nhưng bây giờ vẫn sử dụng tên ông Sadr để hợp thức hóa những cuộc tấn công mà họ tiếp tục thực hiện.
Về điểm này, Đại Tướng Petraeus nói: "Tôi tin rằng cách tốt nhất để nói về ông Moqtada al-Sadr là: ông Sadr là bộ mặt cũng như là lãnh dạo của một phong trào chính trị quan trọng và chính đáng ở Iraq. Và những người khác không thể dùng danh nghĩa của ông Sadr để che đậy các hành động của họ."
Tướng Petraeus cũng nói rằng các phần tử tranh đấu Shia ly khai đó được Iran tài trợ, huấn luyện và hỗ trợ.
Tướng Petraeus nói: "Điều mà các diễn tiến trong tuần qua đã làm, là nêu bật mức độ của các hoạt động của Iran, và cho thấy rõ hơn bàn tay của Iran phía sau các hoạt động ấy, rõ rệt hơn so với trước đây."
Tướng Petraeus nói sự kiện đó tương phản với lời tuyên bố của Đại Giáo Sĩ Shia hàng đầu của Iraq, Ayatollah Ali al-Sistani, nói rằng các lực lượng vũ trang chính đáng duy nhất trong nước, đang làm việc cho chính phủ Iraq. Tướng Petraeus nói hiện đang có nhiều cuộc thảo luận rộng rãi nhằm phát tán cái thông điệp ấy.
Tướng Petraeus và Đại Sứ Crocker cũng chỉ trích Syri vì cho rằng nước này đã không hành động đủ quyết liệt để chấm dứt làn sóng các phần tử đấu tranh người Sunni đến từ các nước khác tràn vào Iraq qua ngã Syri. Hai ông nói chính phủ Syri đã đề ra một số bước hành động, nhưng Syri cần hành động quyết liệt hơn, là vì các phần tử tranh đấu Sunni chống đối các chế độ Ả Rập theo chủ nghĩa thế tục, chẳng hạn như chế độ tại Syri.