Nhiều tổ chức thăm dò công luận cho biết cử tri thuộc giới trẻ đã tham gia đông đảo ở mức kỷ lục vào các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ. Một số lớn ủng hộ cho ông Barack Obama, ứng cử viên đang vận động để được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh ghế tổng thống Hoa Kỳ vào cuối năm nay. Trong bài sau đây, thông tín viên Jela De Franceschi của đài VOA sẽ tìm hiểu xem điều gì đã thúc đẩy giới trẻ tham gia đông đảo vào các cuộc bầu cử sơ bộ và tại sao phần lớn trong số này lại chọn bầu cho ông Obama.
Khi bà Caroline Kennedy ủng hộ cho việc đề cử thượng nghị sỹ Barack Obama đại diện bang Illinois làm ứng viên tham gia cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Dân Chủ để ra tranh chức tổng thống, bà nói rằng 3 cô thiếu nữ con gái bà đã thuyết phục bà rằng ông Obama chính là vị tổng thống mà nước Mỹ cần. Bà là người đầu tiên trong số ngày càng đông các thành viên có tiếng tăm trong đảng Dân chủ ủng hộ cho thượng nghị sỹ Obama, những người tuyên bố rằng chính con cái họ đã thuyết phục họ hậu thuẫn cho ứng cử viên này.
Nhưng nhiều người Mỹ thuộc giới trẻ không chỉ yêu cầu cha mẹ bầu cho ứng cử viên mà họ ưa thích nhất, mà tự họ còn kéo nhau đi bầu đông đến mức kỷ lục tại các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ trong năm nay.
Theo một cuộc thăm dò công luận mới đây của trung tâm nghiên cứu Pew, trong số 18 cuộc bầu cử sơ bộ của đản Dân Chủ tổ chức trước đây trong năm, số phiếu của giới trẻ trong lứa tuổi trên dưới đôi mươi chiếm đến 14% tổng số phiếu bầu, tăng lên so với 9% vào năm 2004.
Theo những cuộc thăm dò trong mấy năm gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew, giới cử tri trẻ tuổi trở thành một thành phần cử tri quan trọng cho đảng Dân chủ. Phần lớn số cử tri trẻ tuổi đăng ký đi bầu trong hạn tuổi từ 18 đến 29 cho biết họ là đảng viên Dân chủ hoặc thiên về đảng này, trong khi 1/3 con số cử tri trẻ tuổi này ủng hộ cho đảng Cộng Hòa.
Chuyên gia phân tích về bầu cử của đại học Harvard, ông Thomas Patterson cho biết phần lớn nguyên nhân đã khiến giới trẻ hăng hái tham gia bầu cử là sự chống đối của họ đối với cuộc chiến Iraq. Ông ghi nhận rằng chuyện bắt đầu từ các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ năm 2003, khi nhiều người trẻ qui tụ lại sau lưng ứng cử viên muốn ra tranh sự đề cử của đảng là ông Howard Dean.
Ông Patterson nói: "Giờ đây chúng ta quên rằng vào năm 2003, ông Howard Dean đã nhanh chóng vượt lên hàng đầu trong các cuộc thăm dò. Ông được rất nhiều ngừi trẻ tình nguyện đi vận động cho ông, và cái thông diệp ông gửi đi lúc đó là chống chiến tranh Iraq. Trở lại những năm 1992, 1996 và năm 2000 chúng ta thấy rất ít cử tri thuộc giới trẻ tham gia bầu cử, chỉ chừng hơn 1/3 mà thôi. Đến năm 2004 có đến gần 50% cử tri giới trẻ tham gia bầu cử. Đó là một thay đổi rất lớn. Khi xét đến giới trẻ và những gì họ quan tâm thì Iraq là vấn đề mà họ chú ý nhất."
Giáo sư Patterson cho hay đã có thêm đến gần 5 triệu cử tri nữa thuộc giới trẻ tham gia bỏ phiếu năm 2004 so với năm 2000. Ông nói thêm là trong vòng bầu cử sơ bộ hiện nay của đảng Dân Chủ, đa số những cử tri trẻ tuổi đang ủng hộ cho thượng nghị sỹ Barack Obama, một người từ lâu nay vẫn chống đối cuộc chiến tranh Iraq.
Ông Patterson nói: "Kể từ khi bắt đầu cuộc vận động đầu năm 2007, thì ngoài những chuyện chính mà họ phải làm, giới trẻ dồn năng lực còn lại của họ vào cho cuộc vận động tranh cử cuả ông Obama. Họ đã bị thu hút ngay từ đầu khi ông Obama đưa ra lập trường chống chiến tranh Iraq. Đồng thời ông Obama lại có một cá tính rõ rệt và ông đưa ra một thông diệp thu hút được họ."
Một phần là do họ thuộc về cùng một thế hệ.
Đó là lời nhận định của ông William Galston, một chuyên gia về quản trị tổ chức công quyền thuộc học viện Brookings tại thủ đô Washington.
Ông Galston nói: "Rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ hiện nay lớn lên trong môi trường đa chủng tộc, đa sắc tộc, một phần vì luồng sóng di dân vào Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong những thập niên gần đây. Mang nhiều dòng máu trong người, thượng nghị sỹ Obama rất hợp thời, hợp cảnh theo trào lưu đó. Thêm vào đó ông tin rằng những người khác quan điểm nhưng có thiện chí có thể cùng ngồi lại với nhau để giải quyết những khó khăn. Có rất nhiều người trẻ tại Hoa Kỳ muốn tin rằng điều đó là đúng."
Những phân tích gia bầu cử khác cho rằng số người trẻ gia tăng không phải là một hiện tượng mới lạ. Theo ông Curtis Gans, giám đốc Ủy Ban Nghiên Cứu Cử Tri Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington, nêu lên rằng mỗi thế hệ của người dân Mỹ đều đưa ra một lý tưởng và một hy vọng.
Ông Gans nói: "Thế hệ trẻ khi xưa đã xúc động vì những lời lẽ hùng hồn của ứng cử viên John F.Kennedy nên họ đã kéo nhau ủng hộ cho ông. Một nhóm khác đã gia nhập phong trào tranh đấu cho dân quyền. Một nhóm nữa lại gia nhập phong trào phản chiến trong thời chiến tranh Việt Nam. Một thế hệ nữa thì lại phấn kích vì ứng cử viên Ronald Reagan. Về sau lại có những người như Clinton, Al Gore và Ross Perot cũng đem lại hăng hái cho giới trẻ trong một thời gian ngắn. Rất đông các thành phần trẻ tuổi đã chống tổng thống Bush và quay sang ủng hộ cho ông John Kerry trong cuộc bầu cử năm 2004. Trong mỗi trường hợp, họ tìm kiếm một khuôn mặt chính trị đã được thay đổi, với một phong thái khác hẳn cái cũ."
Theo ông Scott Keeter, một chuyên gia thăm dò công luận của trung tâm nghiên cứu Pew tại thủ đô Washington, giới trẻ tại Hoa Kỳ ngày nay đa dạng hơn nhiều và họ cấp tiến hơn trong quá khứ.
Ông Keeter nói: "Họ rất dung chấp đối với những chuyện hẹn hò, liên hệ giữa trai gái thuộc các sắc tộc khác nhau. Họ không có thành kiến đối với các cuộc hôn nhân đồng tính. Họ ủng hộ các di dân, và cởi mở hơn đối với vấn để di dân hơn là các lứa tuổi khác. Tất cả những yếu tố này, theo tôi, đã tạo cho họ một cá tính nổi bật và cho thấy sự kiện là họ ít ủng hộ cho đảng Cộng Hòa hơn, vì đây là một đảng bảo thủ hơn về mặt xã hội tại Hoa Kỳ.
Theo chuyên gia về khoa chính trị học William Galston, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, ông John McCain, khi vận động tranh cử, lại đưa ra một thông điệp nghiêm trọng hơn.
Ông McCain nói chuyện chính trị bằng một ngôn ngữ cổ điển hơn. Đó là ngôn ngữ của bổn phận và nghĩa vụ công dân thay vì quyền tự do và sự chọn lựa. Ông kêu gọi tinh thần công dân của người Mỹ, một tinh thần mà từ nhiều thập niên nay ngưới dân không được khuyến nghị phải chú ý. Và người ta đang còn phải chờ xem là những lời kêu gọi đó của ông McCain có sức thu hút mạnh đến mức nào.
Một số các chuyên gia phân tích bầu cử, kể cả ông Curtis Gans, thận trọng lưu ý rằng sức mạnh và lòng hăng hái nhiệt thành của giới cử tri trẻ tuổi vẫn có thể tan biến.
Ông Gans nói: "Nhiệt tình của giới trẻ có duy trì được hay chăng còn tùy vào việc ông Obama có được đảng đề cử hay không, và rằng ông có thắng cử hay không, và nếu thắng cử thì ông có thể nào đáp ứng được một số những kỳ vọng của họ và tiếp tục giữ được khả năng hùng biện cũng như sự quang minh chính đại trong khi nắm giữ chức vụ tổng thống hay không."
Chuyên gia Gans nói thêm rằng giới trẻ vẫn tiếp tục ủng hộ người mà họ chọn lựa chừng nào mà họ vẫn cảm thấy họ là một phần trong một điều gì đó cao cả hơn chính họ.