Việt Nam sẽ cần phải nâng cấp bảo vệ biển để ứng phó với mực nước đại dương dâng cao và các cơn bão mạnh hơn do tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Thông tấn xã AFP thuật lại tin của các cơ quan truyền thông nhà nước ghi nhận lời một nhà khoa học cấp cao cho biết như thế hôm thứ năm.
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải chi 600 triệu đôla để củng cố và nâng các đập ngăn nước biển giữa tỉnh Quảng Ngãi ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam.
Giám đốc Viện Tài nguyên Nước miền Nam Lê Mạnh Hùng nói rằng cần phải thi công trên khoảng 520 kilomet đập ngăn nước biển và 320 kilomet đê điều không có khả năng chống lại triều lụt và bão.
Việt Nam phải chịu thiệt hại nhiều hơn do hiện tượng biến đổi khí hậu so với bất cứ nước nào khác, và có nguy cơ ngang với một số đảo quốc và những nước nằm ở chỗ thấp so với mực nước biển như Bangladesh chẳng hạn.
Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng với 3,200 kilomet đường duyên hải và hai trong các châu thổ nằm thấp nhất trên thế giới, Việt Nam đứng đầu các nước đang phát triển về nguy cơ phải đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong một phúc trình năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã nói rằng bằng chứng khoa học nay đã rất rõ ràng là sự biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao là những mối đe dọa thực sự và tác động đối với Việt Nam sẽ có tiềm năng gây tai họa lớn.
Phần lớn tác động sẽ đánh vào những nơi sản xuất lúa gạo chính và các trung tâm dân cư và công nghiệp của Việt Nam là đồng bằng sông Mekong gần thành phố Hồ Chí Minh và châu thổ sông Hồng gần thủ đô Hà Nội.
Theo Ngân hàng Thế giới, 1/3 dân số Việt Nam sẽ bị tác động nếu mực nước biển dâng cao 5 mét, trong khi mực nước dâng cao 1 mét sẽ tác động đến 10,8% dân số.
Liên đoàn Bảo vệ Môi sinh Thế giới cũng nói rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam, đe dọa gây mất mùa, mất đi sự đa dạng sinh thái, và hư hại các vùng đầm lầy, thềm san hô và các hệ sinh thái quan trọng khác.
Năm ngoái, 6 cơn bão lớn từ biển nam Trung Quốc đã đập vào Việt Nam làm thiệt mạng hơn 400 người, và khiến hàng ngàn người khác phải thất tán và bỏ đi khỏi các vùng trung bộ bị ngập lụt nhiều tháng.