Cơ quan đặc trách về lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc đang hợp tác với Hiệp Hội Các Nhà Trồng Khoai Tây Quốc Tế tổ chức hội nghị ở thành phố Cusco của Peru để bàn về những lợi ích của việc sản xuất khoai tây, món ăn đang được xem là thực phẩm đứng số 1 của thế giới, nếu chỉ kể về loại thực phẩm không phải là hạt.
Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm nay là năm quốc tế về Khoai Tây.
Hội nghị lần này tại Peru có mục tiêu thảo luận tiềm năng của chuyện sản xuất khoai tây, đặc biệt là tại các nước nghèo.
Khoai tây cho nhiều cân lượng hơn bắp ngô, hoặc lúa mì và lúa gạo, mà lại không chiếm nhiều diện tích.
Trước tình hình giá cả các loại hạt đang lên, các nước nghèo có thể tiêu thụ nhiêu khoai tây hơn, vừa dễ trồng, vừa có nhiều chất bổ.
Chính phủ Peru đã động viên người dân nên ăn bánh mì làm bằng bột khoai tây thay vì bột mì phải nhập khẩu tốn kém hơn
Tại Bangladesh, chính quyền đang trông cậy vào vụ khoai tây sắp tới, để có thể ăn độn với các món thường ngày, bù đắp cho tình hình khan hiếm lượng thực hiện nay.
Hơn 90 chuyên viên hàng đầu thế giới về khoai tây đã đến dự hội nghị tại Peru. Hơn 100 quốc gia đang trồng khoai tây. Sản lượng năm ngoái là 329 triệu tấn, một con số kỷ lục.