Quan điểm của ông Medvedev về kinh tế, đối ngoại, và xã hội dân sự

Trong một buổi phỏng vấn khá dài với tờ báo Financial Times của Anh, tân Tổng Thống Dmitri Medvedev trình bày quan điểm của ông về tình hình kinh tế, chính sách đối ngoại và xã hội dân sự của nước Nga. Thông Tín Viên của VOA ở Moskva Peter Fedynsky tường trình rằng, qua buổi phỏng vấn này Tân Tổng Thống của Nga cũng kêu gọi những người ở bên trong và bên ngoài chính quyền Nga hãy tôn trọng chế độ pháp quyền.

Tổng Thống Dmitry Medvedev nói với báo the Financial Times rằng thách thức hiện nay của Nga là làm thế nào biến những thành tựu kinh tế mới đây thành những chương trình tạo phúc lợi xã hội cho người dân, ví dụ như nhà ở, chăm sóc y tế và giáo dục.

Ông Medvedev ghi nhận nước ông đang có kho dự trữ vàng và tiền tệ nhiều hơn bao giờ hết, để bớt bận tâm trước những giao động của các thị trường chứng khoán; nhưng ông thừa nhận nước Nga cũng khó tránh khỏi những tác động phức tạp của các giao động thị trường.

Ông Medvedev nói rằng Nga phải kiềm chế đà lạm phát mạnh đã xuất hiện trong nền kinh tế của Nga từ cuối năm ngoái. Ông cho rằng nạn lạm phát này bắt nguồn từ chuyện nước ông hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, và đó là cái giá mà Nga phải trả để ngồi vào chiếc chiếu của các cường quốc kinh tế trên thế giới.

Ông Medvedev xem chuyện nay mai, hai nước Gruzia và Ukraina gia nhập liên minh quân sự NATO là chuyện cực kỳ đáng lo ngại cho an ninh của Châu Âu, nhưng ông không chống đối việc mở trưng cầu dân ý tại hai quốc gia này để quyết định gia nhập hay không.

Về kế hoạch xây lá chắn phòng vệ tên lửa của Hoa Kỳ tại Trung Âu, ông nói kế hoạch này có thể gây rối cho cán cân lực lượng mong manh và các cơ sở tại Châu Âu, nhưng ông nói nước Nga sẽ duyệt các đề nghị mới đây của Hoa Kỳ nhằm trấn an nước Nga đối với kế hoạch lá chắn.

Về các vấn đề nội bộ của Nga, ông Medvedev nhìn nhận người Nga có thói quen vi phạm luật pháp; từ chuyện người dân bình thường hối lộ cho công an trên đường phố, hoặc mua các sản phẩm trí tuệ bị sao chép bất hợp pháp; cho đến chuyện các quan chức chính phủ hay xen vào các quyết định của tòa án.

Ông ghi nhận chuyện Tổng Thống Putin quyết định rời chức là chuyện chưa hề có của một nhà lãnh đạo người Nga, nhưng chuyện này phù hợp với hiến pháp.

Ông Medvedev nói rằng hành động của ông Putin có nghĩa là cuối cùng, nước Nga đang tạo được truyền thống tôn trọng hiến pháp và các thủ tục pháp lý khác.

Nhận xét về các phát biểu của tân Tổng Thống Nga, ông Alexey Arbatov, một cựu đại biểu Quốc Hội và bây giờ là nhà sử học tại Viện Hàn lâm Khoa học của Nga, nói với đài VOA rằng ông Medvedev bây giờ có cơ hội để thúc đẩy nguyên tắc phân quyền và triển khai một hệ thống tư pháp độc lập.

Về vấn đề tự do báo chí, ông Arbatov đồng ý với phát biểu của ông Medvedev cho rằng Internet đã giúp người Nga tự do truy cập thông tin. Nhưng ông Arbatov nói rằng các đài truyền hình, phương tiện thu hút đông người Nga nhất, vẫn thuộc nhà nước kiểm soát.

Ông Arbatov nói rằng toàn bộ các kênh truyền hình vẫn đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Từ chuyện biên soạn chương trình, dẫn chương trình, quản lý chương trình, thậm chí quyết định muốn cho ai xuất hiện hay không xuất hiện trên đài cũng bị kiểm soát.

Trở lại với tân Tổng Thống Medvedev, ông này nói với báo the Financial Times rằng chức vụ Tổng Thống Nga mang trách nhiệm lớn nhất đối với những công việc của quốc gia. Ông nói thêm: công việc của Tổng Thống là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian.