Nam Triều Tiên sẽ mở điều tra vi phạm nhân quyền ở miền Bắc

Ủy ban nhân quyền Nam Triều Tiên cho biết sẽ mở cuộc điều tra về những vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Quyết định này đi ngược với tập tục trước đây, khi mà ủy ban chỉ tập trung gần như đặc biệt vào những vấn đề bên trong biên giới Nam Triều Tiên. Cuộc điều tra này là dấu hiệu mới nhất cho thấy có một sự chuyển biến trong môi trường chính sách kể từ khi tổng thống bảo thủ Lee Myung-bak lên nhậm chức. Từ Hán Thành, phái viên Kurt Achin của đài VOA ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ủy ban quốc gia nhân quyền Nam Triều Tiên cho biết cuộc điều tra chính thức về những vụ vi phạm bên trong biến giới Bắc Triều Tiên sẽ được xúc tiến vào tháng tới. Ông Cho Young-guk, một nhà khảo cứu cao cấp về chính sách trong ủy ban này nói rằng những người Bắc Triều Tiên đi đào tị tại miền nam sẽ là nguồn thông tin chủ yếu.

Ông Cho nói rằng có khoảng 13,000 người Bắc Triều Tiên đi đào tỵ ở Nam Triều Tiên. Ông cho biết sẽ rất tốn kém và mất thời giờ nếu phỏng vấn tất cả những người này. Thay vì thế, các nhà khảo cứu sẽ hội ý với một nhóm mẫu trong dân chúng Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên bị nhiều người coi là một trong những nước vi phạm nhân quyền của dân chúng tồi tệ nhất.

Nhà khảo cứu chuyên biệt được Liên hiệp quốc chỉ định, ông Vitit Muntabhorn nói với Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong tháng này rằng Bắc Triều Tiên thường hay sử dụng tra tấn và hành quyết. Bản phúc trình của ông còn chỉ trích việc bỏ tù cả gia đình nhiều người trong những điều kiện mà ông gọi là ‘khủng khiếp.’

Người ta cho rằng có ít nhất 100,000 người Bắc Triều Tiên trốn khỏi nước ra vượt biên qua Trung Quốc, để tránh khỏi bị hành hạ về chính trị và chịu đựng tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng. Ông Cho nói rằng cuộc điều tra của Ủy ban Nhân quyền sẽ dựa vào lời khai của những người này.

Ông Cho nói rằng nếu cần, ủy ban sẽ giao một số công tác cho các công ty tư nhân, kể cả những nhà khảo cứu bên ngoài Nam Triều Tiên. Ông nói cần phải có thông tin, bởi vì các nhà khảo cứu trong ủy ban của ông sẽ không được phép vào Bắc Triều Tiên. Ủy ban Quốc gia Nhân quyền Nam Triều Tiên là một tổ chức độc lập được thành lập cách đây 7 năm. Ủy ban đã tập trung phần lớn nỗ lực vào những đề tài về nhân quyền bên trong Nam Triều Tiên.

Mặc dù ủy ban đã thực hiện một số cuộc khảo cứu tổng quát về những vấn đề nhân quyền rộng rãi của Nam Triều Tiên, cuộc điều tra này là nỗ lực rõ ràng đầu tiên rọi một tia sáng vào những vụ vi phạm nhân quyền ngay bên trong Bắc Triều Tiên.

Ông Lee Young-hwan là một người Bắc Triều Tiên đi đào tỵ, đại diện cho Liên minh Công dân tranh đấu cho Nhân quyền Bắc Triều Tiên, một tổ chức ở Hán Thành. Ông nói rằng cuộc điều tra này là một bước đi tới đáng hoan nghênh.

Ông Lee nói rằng công cuộc khảo cứu trước đây của ủy ban thường có tính cách hơi phiến diện, dựa vào các chuyên gia. Ông cho rằng có thêm tiếng nói của những người đào tỵ Bắc Triều Tiên thì phẩm chất của cuộc khảo cứu sẽ được cải tiến nhiều. Quyết định của ủy ban phát động cuộc khảo cứu này đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhờ một chuyển biến trong bầu không khí chính trị ở Nam Triều Tiên sau khi tổng thống Lee Myung-bak tuyên thệ nhậm chức.

Ông Lee đã cảm kết sẽ có một chính sách thực tiễn và thẳng thắn hơn về các vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên, so với người tiền nhiệm là ông Nô Mu Hyun. Chính phủ của ông Roh đã theo đuổi một chính sách giao tiếp ôn hòa với Bắc Triều Tiên và duy trì sự im lặng gần như hoàn toàn về các vấn đề nhân quyền.

Ông Kim Young-hyun, một nhà khảo cứu về Bắc Triều Tiên tại trường đại học Dongguk ở Hán Thành cho rằng cuộc điều tra của ủy ban có thể làm Bình Nhưỡng nổi giận.

Theo ông Kim, độc lập hay không, thì Ủy ban Quốc gia Nhân quyền cũng là hình ảnh của chính phủ Nam Triều Tiên. Ông nói có rất nhiều phần chắc là Bắc Triều Tiên sẽ lên tiếng phản đối cuộc điều tra trong một bối cảnh ngoại giao, tỷ như một cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Nam và Bắc Triều Tiên.

Ông mô tả Bình Nhưỡng là ‘dị ứng’ với bất kỳ cuộc điều tra bên ngoài nào về các vấn đề nhân quyền của họ, mà Bắc Triều Tiên coi như can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ.