Thủ tướng Anh Gordon Brown, cho hay: Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc mới đây có nói với ông là ông ấy sẵn lòng thực hiện những cuộc hội đàm với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây tạng đang sống lưu vong. Tuyên bố vừa kể trái ngược với những phát biểu công khai của ông Ôn Gia Bảo cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là kẻ chủ mưu những vụ bạo động hồi tuần trước tại Tây Tạng. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về những diễn tiến đáng chú ý này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.
Sau cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1959 để chống lại ách cai trị của Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi sống lưu vong ở Ấn Độ. Từ đó đến nay, ông đã đi vận động ở nhiều nơi trên thế giới để tìm cách bảo vệ cho quyền lợi và văn hóa của quê hương ông. Với chủ trương mà ông gọi là 'Trung Đạo', vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này cổ xướng cho đường lối tranh đấu bất bạo động và tiến hành một cuộc đối thoại với Trung Quốc để giành quyền tự trị cho Tây Tạng.
Sau khi những cuộc biểu tình ôn hòa do các nhà sư lãnh đạo biến thành những vụ phản kháng có bạo động trên đường phố ở thủ đô Lhasa hồi tuần trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tái khẳng định chủ trương tranh đấu ôn hòa và tuyên bố rằng ông sẵn sàng rời khỏi chức vụ lãnh đạo của chính phủ lưu vong, chứ không muốn thấy cuộc vận động của người Tây tạng bị chìm đắm trong bạo lực.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Nếu sự việc vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thì lựa chọn duy nhất của tôi là từ chức hoàn toàn, từ chức hoàn toàn."
Đức Đạt Lai Lạt Ma được dân chúng Tây Tạng yêu mến và tôn kính. Nhưng cộng đồng người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn đối với đường lối ôn hòa của ông. Họ nói rằng sách lược của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không ngăn chận được sự đàn áp của Trung Quốc. Nhiều người trong giới trẻ giờ đây đã bắt đầu kêu gọi thực hiện những hành động kịch liệt hơn. Một số người cũng tỏ ý bất mãn đối với việc Đức Đạt Lai Lạt Ma từ bỏ mục tiêu đòi độc lập, và thay vào đó, là đòi tự trị và thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng.
Ông Tenzing Norsang, một thành viên của Đại hội Thanh niên Tây Tạng ở Ấn Độ, nói rằng tổ chức của ông muốn tranh đấu cho độc lập của Tây Tạng.
Ông Norsang nói: "Độc lập là quyền tự nhiên của chúng tôi. Không có lý do gì để chúng tôi phải từ bỏ quyền độc lập của Tây Tạng. Xét về phương diện lịch sử, chúng tôi là một nước độc lập. Về văn hóa, chúng tôi hoàn toàn khác biệt với Trung Quốc. Không có bất cứ điều gì chứng tỏ rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc."
Những vị phụ tá của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chính phủ lưu vong thừa nhận rằng sự bực bội đang gia tăng trong giới thanh niên tranh đấu. Tuy nhiên, họ nói rằng đường lối bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giúp cho cuộc vận động của Tây Tạng tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Về việc này, Thủ tướng Sandhong Rinpoche của chính phủ lưu vong cho biết như sau.
Ông Rinpoche nói: "Nếu chúng tôi không theo đuổi đường lối bất bạo động, vấn đề Tây Tạng có lẽ đã hoàn toàn mất dạng trên trường chính trị quốc tế. Ngày nay phần lớn cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cho chúng tôi. Họ ủng hộ mạnh mẽ cho chính nghĩa của Tây Tạng. Vì vậy, đường lối ôn hòa đã mang lại nhiều thành quả. Chúng tôi vẫn có khả năng để đương cự với một nước khổng lồ như Trung Quốc, và điều này không phải là một thành quả không đáng kể."
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Gordon Brown của Anh hôm thứ ba vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc cho biết ông sẵn lòng thực hiện các cuộc hội đàm với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Phát biểu vừa kể đã khiến một số người cảm thấy ngạc nhiên vì cũng trong ngày thứ ba, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ mưu những vụ biểu tình bạo động ở Trung Quốc để đòi độc lập cho Tây Tạng.
Ông Ôn Gia Bảo nói: "Chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy rằng vụ này là do tập đoàn Đạt Lai tổ chức, xếp đặt, trù hoạch và xúi giục."
Cũng trong ngày thứ ba, bí thư đảng ủy của khu tự trị Tây Tạng, ông Trương Khánh Lê, cho báo chí biết rằng Trung Quốc đang cùng với 'tập đoàn Đạt Lai' tiến hành một cuộc đấu tranh mà ông mô tả là 'đầy máu lửa, một mất một còn'. Các giới chức Trung Quốc cho biết những vụ bạo động ở Lhasa gây tử vong cho 16 người, hầu hết là người Hán bị mắc kẹt trong những vụ phóng hỏa. Trong khi đó, các giới chức của chính phủ Tây Tạng lưu vong nói rằng khoảng 100 người thiệt mạng.
Một số các nhà phân tích cho rằng những vụ biểu tình phản kháng ở Lhasa, và một số khu vực khác ở các tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên, và Cam Túc, là biểu hiện của sự phẫn nộ tích lũy trong nhiều năm của người Tây Tạng đối với Trung Quốc, là nước đã đưa quân chiếm đóng Tây tạng vào năm 1951. Ông Edward Friedman, giáo sư môn chính trị Trung Quốc của Đại học Wisconsin, nói rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong vài năm qua đã làm gia tăng sự bất mãn của người Tây Tạng trước việc một số rất lớn người Hán, giàu có hơn, đang tràn vào xứ sở của họ.
Ông Friedman nói: "Nhiều người tưởng rằng sự tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho người Tây Tạng. Nhưng rồi họ lại nhận ra rằng những người hưởng lợi nhiều nhất lại là người Hán. Người Tây Tạng còn cảm thấy lo sợ trước sự lấn át của người Hán và họ e rằng văn hóa Tây Tạng sẽ bị mất đi trong vòng một thế hệ vì lớp trẻ đang bị người Hán đồng hóa. Điều này tạo ra những mối căng thẳng rất lớn ở Tây Tạng."
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và một số chính phủ Tây phương đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tự chế trong việc đối phó với những vụ biểu tình ở Tây Tạng và ra sức cải thiện tình trạng nhân quyền ở phần đất này, đặc biệt là trong lúc mọi người trên thế giới đang chú tâm tới Trung Quốc vì cuộc tranh tài Thế Vận diễn ra ở Bắc kinh vào tháng 8 năm nay.
Tại một cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ hôm thứ ba, Phó trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á Thái bình dương, ông Thomas Christensen, phát biểu như sau.
Ông Christensen nói: "Olympic Bắc kinh là một cơ hội để Trung Quốc đưa ra hình ảnh tốt đẹp nhất của mình và cho thế giới thấy được những tiến bộ của mình. Chúng tôi tin rằng những tiến bộ này không chỉ hạn chế trong phạm vi kinh tế mà còn bao gồm các lãnh vực xã hội, nhân quyền, pháp trị và tự do truyền thông. Và chúng tôi tin rằng Olympic mà Trung Quốc tổ chức chỉ thật sự thành công khi nào họ chứng tỏ được tiến bộ trong các vấn đề này."