Hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng nhà cửa ở Hoa Kỳ

Cuộc khủng hoảng về nhà cửa tại Hoa Kỳ, bắt nguồn từ những người không đủ tiêu chuẩn vay tiền để mua nhà mà vẫn được các cơ sở tài chính cho vay bừa bãi; đã lan sang các thị trường tài chính khắp thế giới. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này là hàng vạn người Mỹ không còn đủ khả năng để trả tiền nhà hằng tháng, nhiều người đã bị siết nhà, và những khu vực có nhiều nhà ở vào loại này đã bị mất giá. Trong câu chuyện sau đây, Thông Tín Viên Jeff Swicord tìm hiểu hậu quả về mặt con người do cuộc khủng hoảng này gây ra tại thành phố Cleveland trong bang Ohio, một thành phố có nhiều người bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này.

Vợ chồng bà Karen Lucas đã sống trong căn nhà ở thành phố Cleveland, bang Ohio từ 35 năm qua, nhưng vẫn chưa trả hết tiền nợ mua nhà; bởi vì thỉnh thoảng bà phải đi vay một món nợ mới cho căn nhà của mình. Trong xã hội Mỹ, việc đi vay này gọi là xin tái tài trợ.

Bà Lucas nói: "Vợ chồng chúng tôi xin tái tài trợ vì công ty mà chồng tôi đang làm bị một công ty khác mua lại. Do đó chúng tôi phải xin tái tài trợ bởi vì chồng tôi bị mất việc ở chỗ làm cũ."

Trường hợp của vợ chồng bà Lucas cũng giống như hầu hết trường hợp của gần 70,000 gia đình đang sống tại thành phố này. Trong vòng 5 năm qua, họ không thể trả nổi món tiền nhà hằng tháng, vì khi xin tái tài trợ, họ phải vay với lãi suất thả nổi, có nghĩa là đến một ngày nào đó, lãi suất này cứ tăng, trở thành một món tiền to hàng tháng vượt quá khả năng chi trả của họ.

Và giờ đây, hai ông bà đã nhận được giấy tờ cho biết ngân hàng tài trợ muốn siết căn nhà, đã tiến hành thủ tục pháp lý và cảnh sát quận sẽ tống đạt lệnh buộc hai ông bà phải dọn đi chỗ khác.

Từ 4 năm qua, hai ông bà đã tiến hành các thủ tục pháp lý để cố giữ lại cho được căn nhà. Lần cuối cùng là ông bà xin tòa cho hoãn lại chuyện siết nhà trong vòng 30 ngày, nhưng cho tới giờ này chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi là đến hạn phải ra khỏi nhà mà vẫn chưa thấy tòa trả lời.

Bà Lucas nói: "Tôi đã khóc hết nước mắt. Tôi phải tự trấn an mình. Cuối cùng tôi đành phó mặc số phận của mình cho Thượng Đế."

Vào thế kỷ trước, Thành phố Cleveland của bang Ohio là một trong những thành phố công nghiệp rất mạnh của Hoa Kỳ, nằm nép mình bên ven hồ Erie, một trong ngũ đại hồ của Hoa Kỳ, sát với Canada. Từ 10 năm qua, bang Ohio mất đi hơn 200,000 công ăn việc làm trong ngành sản xuất thành phẩm, thu nhập bình quân đầu người trong bang giảm đi 10%.

Trong thập niên 1990, các chủ nợ chuyên cho vay với lãi suất đặc biệt, có nghĩa là dưới tiêu chuẩn, đã mở nhiều văn phòng xung quanh thành phố Cleveland. Nhiều gia đình đã tìm đến các chủ nợ này để được hưởng lãi suất hạ trong giai đoạn đầu, và thế là vấn đề của họ bắt đầu. Một trong những người đi vay loại này là bà Barbara Anderson.

Bà Anderson nói: "Một thời gian sau đó, món nợ nhà được bán cho một chủ nợ khác mà con nợ như tôi không hề biết. Chúng tôi vẫn gửi tiền nợ hàng tháng đến chủ nợ cũ. Thế rồi chủ nợ mới bèn gọi cho chúng tôi và nói rằng chúng tôi chưa trả nợ cho họ. Đến lúc đó chúng tôi mới bật ngửa ra khi biết được họ là chủ nợ mới của chúng tôi."

Các món nợ đặc biệt có lãi suất cao hơn mà chủ nợ dành cho những người mua nhà nào không đủ tiêu chuẩn để vay theo lãi suất chính, có mức thấp hơn. Các món nợ đặc biệt được mua đi bán lại nhiều lần giữa các ngân hàng với nhau, khiến cho con nợ nhiều khi rất khó biết ai mới thực sự là chủ nợ của mình. Riêng hợp đồng vay nợ của bà Anderson có một điều khoản nói rằng chủ nợ có quyền cộng thêm một số phí.

Điều khoản đó ghi những loại phí nều trả nợ trễ trong tương lai, tôi chẳng hiểu phí đó là gì nhưng nó đã được ghi trong hợp đồng. Ngoài ra còn nhiều thứ phí khác, tôi chẳng hề nghe họ nêu ra với tôi, nhưng trong hợp đồng thì có ghi ra đó.

Kết quả là sau nhiều lần mua đi bán lại giữa các ngân hàng, cộng với nhiều thứ phí linh tinh, món nợ của bà Anderson lúc đầu chỉ có lãi suất 7%, bây giờ đã thành gần 20%.

Nhờ sự giúp đỡ của nhiều tổ chức bênh vực cộng đồng, vợ chồng ông bà Andersons bây giờ đã xin được tái tài trợ với mức lãi suất cố định là 5,75%, và chủ nợ là một ngân hàng không đem bán món nợ cho ngân hàng khác. Ông Bà Anderson là người may mắn, không giống như 20,000 gia đình khác tại thành phố này, sẽ bị siết nhà trong vòng một năm nữa.

Trong lúc Thông Tín Viên đài VOA phỏng vấn bà Lucas thì tiếng chuông điện thoại reo. Bên kia đầu giây là một cảnh sát viên. Ông ta cho bà Lucas biết là đơn của bà xin chống lại quyết định siết nhà đã bị tòa bác, và vợ chồng bà phải dọn ra khỏi căn nhà ngay lập tức.

Bà Lucas than thở: "Chẳng có công lý gì cả! Họ chỉ bảo vệ quyền lợi của chính họ. Tôi chán lắm rồi, tôi chán lắm rồi."

Lời than thở này cũng là lời than thở tiêu biểu cho hàng trăm ngàn gia đình trên khắp nước Mỹ đang bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng tín dụng nhà cửa hiện nay. Cuộc khủng hoảng đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, thay đổi số phận của nhiều người; và để lại nhiều kỷ niệm khó quên.