Nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài sẵn sàng thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Tây Tạng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thông tín viên Anjana Pasricha tường trình từ New Delhi rằng chính phủ lưu vong của ngài ở Ấn Độ cho biết là tình hình trong vùng vẫn tiếp tục căng thẳng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài sẵn sàng đến Trung Quốc để gặp Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, nếu có những dấu hiệu cụ thể cho thấy rằng Bắc Kinh muốn đàm phán về vấn đề Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu như vậy từ thành phố Dharamsala ở miền bắc Ấn Độ, nơi chính phủ lưu vong của ngài đặt trụ sở.
Thứ tư vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới vận động để Trung Quốc đàm phán về vấn đề Tây Tạng. Tuy nhiên, Ngài thừa nhận rằng triển vọng tham gia đàm phán của Trung Quốc sẽ không thể trở thành hiện thực cho đến nào các cuộc biểu tình phản đối trong khu vực này chấm dứt.
Các cuộc biểu tình phản đối ôn hòa của chư tăng Tây Tạng trong tuần trước đã nhanh chóng biến thành bạo động, dẫn đến việc nhà cầm quyền Trung Quốc ra tay đàn áp trong vùng núi hẻo lánh này.
Các nhóm hoạt động cho nhân quyền và cộng đồng người Tây Tạng lưu vong đã tố giác sự gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền Trung Quốc và nói rằng đang có tình trạng bất mãn sâu rộng về sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng.
Thủ Tướng của chính phủ lưu vong Tây Tạng Samdhong Rinpoche nói rằng Trung Quốc không đáp ứng lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Tây Tạng bằng những hành động tự chế.
Ông Rinpoche: "Vấn đề hiện nay của chúng tôi là nhà cầm quyền Trung Quốc không đáp ứng với sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế. Đó là vấn đề. Tôi hy vọng giờ đây các tổ chức, các chính phủ và các định chế quốc tế sẽ thực hiện những bước tích cực và hiệu quả nhằm chấm dứt tình trạng bạo động đang diễn ra ở bên trong Tây Tạng."
Hôm thứ ba, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói rằng ông sẵn sàng mở các cuộc đàm phán với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuy nhiên chỉ khi nào nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng từ bỏ điều mà Trung Quốc mô tả là một chiến dịch giành độc lập cho Tây Tạng. Bắc Kinh đổ lỗi cho ngài về tình trạng bất ổn ở Tây Tạng, một cáo buộc mà Đức Đạt Lai Lạt Ma mạnh mẽ bác bỏ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài sợ là có thể có nhiều thương vong ở Tây Tạng và nói rằng sự giao thông liên lạc tại nhiều nơi đã bị cắt đứt.
Thủ Tướng lưu vong Tây Tạng, ông Rinpoche nói rằng tình hình tại Tây Tạng rất căng thẳng, theo như các tin tức mà cộng đồng người Tây Tạng sống lưu vong tại Ấn Độ thu thập được từ những người bên trong khu vực Himalaya hẻo lánh này.
Thủ Tướng Rinpoche nói: "Tình hình hiện nay trong thủ đô Lhasa rất u ám. Từ hôm tối chủ nhật cho đến nay đã có trên 800 người bị bắt. Những người này đã bị đưa đi đến một nơi nào đó không rõ, bằng máy bay và bằng đường bộ. Tình hình đang hết sức căng thẳng."
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lãnh đạo một chiến dịch bất bạo động nhằm tranh đấu cho một qui chế tự trị rộng rãi hơn cho Tây Tạng - quốc gia đã bị Trung Quốc cai trị từ năm 1951, và ngài nói rằng nền văn hóa và truyền thống đặc thù của Tây Tạng cần phải được bảo vệ.