Công nghệ mới mang lại cơ hội cho người khiếm thị ở Hoa Kỳ

Tân Thống Đốc bang New York David Paterson vừa tuyên bố nhậm chức hôm thứ Hai 17/03/2008. Và như thế ông trở thành vị thống đốc người Mỹ gốc Châu Phi đầu tiên lãnh đạo bang New York. Ông Paterson còn là một người mù, theo định nghĩa của luật pháp, và được coi là một tấm gương trong giới các công nhân viên khiếm thị nặng mà thông tín viên Robert Raffaele vừa đến thăm. Mời quý vị theo dõi các chi tiết trong câu chuyện giữa phóng viên VOA và những công nhân viên mù sau đây.

Sự thăng tiến của Thống Đốc David Paterson lên chức vụ cao nhất bang New York, có thể không mấy ngạc nhiên đối với một số người Mỹ cũng trong cùng tình cảnh bị khiếm thị.

Tại Hoa Kỳ, có từ 1 triệu 300 ngàn đến 1 triệu 800 ngàn người được liệt vào thành phần mù – theo p định nghĩa pháp lý, tức là một người mà thị giác không thể được chữa trị để có thể cải thiện hơn mức 20/200 bên mắt sáng nhất của mình.

Thống đốc Paterson đã mất thị giác do một vụ nhiễm trùng mắt thời còn ấu thơ. Mới đây, ông Paterson đã nhắc đến những những tình cảnh mà nhiều người Mỹ bị mù còn đang phải vất vả đối phó.

Ông Paterson nói: "70% người mù đang chịu cảnh thất nghiệp. 90% những người điếc tại đất nước này không có việc làm. Biết đâu được, một người trong thành phần này có thể có những người xuất sắc có thể nghĩ ra cách chữa khỏi bệnh ung thư, thế nhưng chúng ta lại không thể tìm ra một việc làm cho họ."

Ông John Pare đã bị mù vào lúc 35 tuổi. Hiện ông là một giám đốc của Liên Đoàn Toàn Quốc Người Mù, một tổ chức bênh vực cho quyền lợi của người khiếm thị.

Ông Pare nói: "Vấn đề khó khăn nhất mà người mù hiện nay phải đối phó là không mấy ai trông đợi gì nhiều nơi họ, và thiếu cơ hội cho họ tiến thân."

Ông Pare sử dụng một chiếc máy điện thoại cầm tay tương đối mới, được trang bị với một phần mềm điện toán có khả năng giúp người khiếm thị hầu như có thể làm được bất cứ công việc gì. Phần mềm ấy mang tên là KNFB Mobile Reader, hiện được lắp đặt với chiếc Nokia N-82.

Ông Pare chụp một bản in với bộ phận đọc của điện thoại cầm tay, bộ phận này rọi to những dòng chữ in, rồi lớn tiếng đọc dòng chữ ấy.

'Hải Đăng Columbia cho Người Mù' là một tổ chức bất vụ lợi cung cấp rất nhiều dịch vụ. Tổ chức này có những khóa huấn luyện các công nhân viên mù, và giúp họ kiếm việc làm được cung cấp qua những hợp đồng với chính phủ.

Các nhân viên thuộc dạng mù, theo định nghĩa của luật pháp, tại các văn phòng ở thủ đô Washington đang sử dụng chương trình thảo chương có chức năng phóng to hình ảnh chẳng hạn như ZoomText, có cả chức năng phát âm đi kèm.

Ông Robbie Figueroa là phối hợp viên của phòng nhân lực tại cơ quan 'Hải Đăng Columbia cho Người Mù'.

Ông Figueroa nói: "Chức năng phát âm rất quan trọng đối với tôi, bởi vì tôi phụ trách phần làm giấy tờ lương và bổng lộc cho nhân viên của cơ quan. Chức năng phát âm của máy giúp tôi nhận ra lúc nào mình nhầm lẫn, để điều chỉnh và sửa lỗi một cách nhanh chóng."

Một đồng nghiệp của ông Figueroa là cô Jocelyn Hunter, đã được liệt vào diện mù trong gần 10 năm qua, sau khi bị chẩn đoán là thoái hóa điểm vàng trên võng mạc ở tuổi thiếu niên.

Cô Hunter kể lại như sau: "Khi tôi được chẩn đoán bị thoái hóa võng mạc, thật tình mà nói, tôi đã hết sức bàng hoàng."

Tuy vậy, cô Hunter tiếp tục theo đuổi học vấn và đã tốt nghiệp trường trung học với điểm danh dự, rồi sau đó cô hoàn tất bậc đại học.

Cô nói những thành quả ấy có được là nhờ những công nghệ như ZoomText, đã giúp cô đạt được kết quả không khác nào những bạn đồng học không bị khiếm thị.

Chủ Tịch và Giám Đốc Điều Hành cơ quan 'Hải Đăng Columbia cho Người Mù' là ông Tony Cancelosi, ông nói công nghệ đã giúp loại trừ những nhận thức tiêu cực về người mù.

Ông Cancelosi nói tiếp: "Có một tổ chức nọ đã gửi một tập thông tin cho tất cả các nhân viên của mình. Khi mở ra xem, người ta thấy ảnh một thanh niên đang ngồi trước máy điện toán, lật một trang nữa, chúng ta thấy một con chó hướng dẫn người mù ngồi bên chân anh. Thế cho nên, qua hình ảnh ấy, chúng ta thấy là ngoài con chó dẫn người mù, nhân viên khiếm thị không có gì khác biệt so với các nhân viên khác."

Một số nhân viên làm việc cho cơ quan 'Hải Đăng Columbia cho Người Mù' nói Thống Đốc Paterson là một nguồn hứng khởi cho họ, trong công việc và trong đời sống hàng ngày.